Ngày 19/4/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của Bao thanh toán và chiết khấu công cụ chuyển nhượng tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ phụ trách Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam, Nhóm tư vấn các Định chế Tài chính, IFC; bà Lin Huang, Chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, IFC; ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Nhóm Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, IFC.
Ngoài ra còn có các đại biểu đến từ một số vụ, cục Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đại diện của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng và toàn diện, ngành Ngân hàng Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động, phát triển các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Bao thanh toán và chiết khấu là nghiệp vụ rất phổ biến trong hoạt động ngân hàng tại nhiều nước trên thế giới. Các hoạt động này ra đời từ rất sớm và phát triển cho đến nay, gắn liền với lịch sử phát triển của các ngân hàng thương mại.
Ở Việt Nam, nghiệp vụ bao thanh toán và chiết khấu tuy không phổ biến như các nghiệp vụ tín dụng truyền thống nhưng các nhà làm luật đã kịp thời thể chế hóa nghiệp vụ này bằng các quy định pháp luật. Dù vậy, trên thực tế, các hoạt động này chưa thực sự phát triển, một số ngân hàng ở Việt Nam cũng mới chỉ bắt đầu triển khai áp dụng nghiệp vụ này trong vài năm nay và kinh nghiệm thu được từ hoạt động này còn ở mức độ hạn chế. Một trong các nguyên nhân dẫn đến nghiệp vụ bao thanh toán và chiết khấu chưa thực sự phát triển ở Việt Nam là do hành lang pháp lý cho hoạt động này còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến điều 4 mà cụ thể là khoản 14 điều 4 và khoản 1 điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Do đó, hội thảo sẽ tập trung chia sẻ thông lệ quốc tế về hoạt động Bao thanh toán và Chiết khấu của các nước trên thế giới, “Nhu cầu cần phát triển Bao thanh toán và Chiết khấu tại Việt Nam”; đồng thời trao đổi về định hướng hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt đông bao thanh toán và chiết khấu phù hợp thông lệ quốc tế.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng hy vọng, hội thảo sẽ đem lại những thông tin thiết thực, bổ ích cho các đại biểu tham dự. Có cơ hội trao đổi, thảo luận về các vướng mắc, bất cập liên quan đến hoạt động bao thanh toán, chiết khấu và đề xuất các giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động này.
Khó khăn, thách thức đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp
Tại phiên tham luận, đại diện Vietcombank cho biết, hoạt động bao thanh toán đang tăng trưởng nhanh chóng, chiếm khoảng 90% lượng thanh toán quốc tế toàn cầu, cho thấy tiềm năng “nở rộ” và phát triển của phương thức này, đặc biệt là đối với những “ngôi sao” ở thị trường châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong...
Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm về bao thanh toán cũng như dịch vụ, giải pháp về bao thanh toán chưa thực sự phát triển. Trong bối cảnh COVID-19, hoạt động thanh toán thương mại quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề, phát sinh nhiều hơn dịch vụ đảm bảo rủi ro tín dụng bên mua. Đối với Vietcombank, khi triển khai dịch vụ này đã gặp nhiều khó khăn vì chưa có hướng dẫn nào về đảm bảo rủi ro tín dụng và nghiệp vụ bảo lãnh phức tạp đòi hỏi nhiều yếu tố.
Liên quan đến vấn đề miễn truy đòi, trên thế giới, tỷ trọng sản phẩm bao thanh toán miễn truy đòi chiếm 53%, chiếm đa số các sản phẩm về bao thanh toán. Tuy nhiên, ở Việt Nam không cho phép luật miễn truy đòi do sự khác biệt về khái niệm bao thanh toán theo thông lệ quốc tế.
Còn theo đại diện Techcombank, qua thực tế triển khai hoạt động tài trợ khoản phải thu tại ngân hàng, nhu cầu của khách hàng chưa được đáp ứng đầy đủ, xuất phát từ một số vấn đề vướng mắc về quy định chiết khấu và bao thanh toán như: nhu cầu của khách hàng về bao thanh toán/chiết khấu miễn truy đòi; thiếu các hình thức tài trợ khoản phải thu; yêu cầu bao thanh toán/chiết khấu đáp ứng điều kiện cấp tín dụng làm thủ tục tài trợ vẫn rườm rà, thiếu thuận tiên; chưa có quy định cho phép chiết khấu công cụ chuyển nhượng điện tử.
Đề xuất, khuyến nghị
Đề cập đến giải pháp thúc đẩy sự phát triển của bao thanh toán và chiết khấu, ông Jinchang Lai - chuyên gia IFC nhận định, cần có sự "vào cuộc" của cơ quan quản lý để phát triển thị trường bao thanh toán. Theo đó, bao thanh toán vẫn có thể phát triển trong môi trường pháp lý khó khăn hơn nếu cơ quan quản lý tài chính biết cách hỗ trợ, cụ thể như: áp dụng linh hoạt các quy tắc cho vay thông thường vào tình huống bao thanh toán; các yêu cầu KYC phù hợp với bối cảnh bao thanh toán; công nhận chứng từ điện tử làm căn cứ cho vay và lập hồ sơ; khả năng làm việc hoặc cho vay thông qua bên thứ 3 (ví dụ như nền tảng điện tử),...
Bên cạnh đó, cần chính thức hóa và số hóa chuỗi giá trị, xây dựng và phát triển môi trường tốt cho những tổ chức cho vay không nhận tiền gửi (ví dụ như các công ty bao thanh toán); đẩy mạnh phổ biến và áp dụng bảo hiểm tín dụng; thành lập các hiệp hội doanh nghiệp để giúp phát triển các tiêu chuẩn ngành, giao tiếp với các cơ quan quản lý và tư pháp, phát triển kiến thức,...
Ông Jinchang Lai cũng lưu ý về mặt pháp lý, cả bao thanh toán truy đòi và không truy đòi cần phải được cho phép một cách chính thức; đồng thời đề nghị sửa đổi định nghĩa về Bao thanh toán theo Điều 4, 17 Luật Các TCTD (không cần nêu truy đòi hay không truy đòi; có thể sử dụng định nghĩa chuẩn quốc tế).
Đại diện Vietcombank đề xuất, cần đồng bộ quy định về bao thanh toán/chiếu khấu theo thông lệ quốc tế; dịch vụ bao thanh toán cần được đơn giản hóa các quy trình và thủ tục; đồng thời cân nhắc thay đổi quy định của Thông tư 02 về đồng tiền chiết khấu để giải quyết những khó khăn cho khách hàng cũng như để các NHTM cung cấp tốt hơn các dịch vụ bao thanh toán.
Bên cạnh đó, theo xu hướng số hóa, cần platform hay giải pháp để có thể thực hiện bao thanh toán online, đưa ra các yêu cầu tài trợ hoặc bao thanh toán tự động bằng các giải pháp số; thay đổi hành lang pháp lý và bổ sung những quy định liên quan đến chứng từ số, chữ ký số... để có thể thực hiện dễ dàng hơn.
Trước xu thế phát triển của thị trường, tương tự như bao thanh toán, Vietcombank bày tỏ mong muốn được thực hiện chiết khấu online, cũng như giao dịch chứng từ điện tử. Đồng thời hy vọng trong thời gian tới, hành lang pháp lý của Việt Nam có thể bổ sung quy định liên quan đến vấn đề số hóa các giao dịch về hoạt động bao thanh toán và chiết khấu.
“Với đà tăng trưởng như hiện tại, nếu được NHNN ủng hộ, các NHTM sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho tệp khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận dễ dàng với vốn vay không yêu cầu tài sản bảo đảm, thủ tục thẩm định đơn giản, vận hành giải ngân và hồ sơ giao dịch nhanh chóng trên nền tảng tự động và số hóa”, đại diện Vietcombank bày tỏ.
Theo kiến nghị của Techcombank, ứng xử nghiệp vụ bao thanh toán và chiết khấu theo các quy tắc tập quán quốc tế là cần thiết. Điều đó đồng nghĩa với việc cho phép hình thức tài trợ miễn truy đòi và không tính vào cho vay hay cấp tín dụng để phù hợp tinh thần hội nhập quốc tế; cho phép khách hàng chỉ cần cung cấp phương án kinh doanh, phương án sử dụng vốn 1 lần khi cấp hạn mức tín dụng và được sử dụng tiền ứng trước bao thanh toán cho các mục đích hợp pháp, không giới hạn trong phạm vi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cần hướng dẫn xác định tình trạng cầm cố, thế chấp của khoản phải thu trong trường hợp khách hàng ký kết các hợp đồng thế chấp khung các khoản phải thu hình thành trong tương lai.
Kết luận Hội thảo, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ vui mừng khi Hội thảo thu về những kết quả tốt đẹp; đồng thời nhấn mạnh vai trò và lợi ích của bao thanh toán/chiết khấu đối với các NHTM. Do đó, các NHTM cần nêu ra được vấn đề thời sự, nêu rõ lợi ích và hiệu quả, khó khăn cũng như vướng mắc để kiến nghị cơ quan Nhà nước xem xét, sửa đổi luật liên quan đến bao thanh toán/chiết khấu trong thời gian tới.
Tổng Thư ký cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp và tham gia có trách nhiệm của các tổ chức hội viên với Hiệp hội trong việc đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Các TCTD, từ đó ngày càng mở rộng quan hệ giao thương với các nước trên thế giới, hoạt động thanh toán ngày càng mở rộng.
“Qua buổi Hội thảo hôm nay, tôi ghi nhận ý kiến của các đại biểu về lĩnh vực thanh toán bao thanh toán/chiết khấu, và mong muốn các đại biểu tiếp tục đưa ra ý kiến, đề xuất nội dung sửa đổi phù hợp, vận dụng tất cả ý kiến tổng hợp để hoạt động bao thanh toán/chiết khấu ngày càng mở rộng, hội nhập thế giới. Đặc biệt, cảm ơn IFC đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với VNBA tổ chức tốt Hội thảo này”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.