Bất động sản

Bất chấp khó khăn, nhiều “ông lớn” địa ốc tích cực gom quỹ đất khủng

Lâm An 23/01/2024 - 10:20

Trong khi một số chủ đầu tư khó khăn phải cơ cấu lại tài sản để tồn tại thì thị trường vẫn có không ít chủ đầu tư tranh thủ cơ hội gom quỹ đất khủng.

screenshot-2024-01-23-at-08.47.48.png
(Ảnh minh hoạ)

Thông tin từ Cổng Thông tin điện tử huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cho biết, Tập đoàn Ecopark đang trong quá trình đàm phán mua lại Công ty TNHH Sông Thao - chủ đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng tại huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ.

Cụ thể, trong một cuộc họp hồi giữa tháng 12/2023 với lãnh đạo UBND tỉnh, chủ Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Thủy cho biết, dự án này được UBND tỉnh Phú Thọ giao thực hiện đầu tư từ tháng 7/2002 với các hạng mục như: Nhà máy nước khoáng, nhà hàng, khách sạn và nhà sàn. Tuy nhiên, đến nay một số hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng và gần như không có khả năng kinh doanh thương mại.

khoang-nong-thanh-thuy-ecopark.jpeg
Đồ án quy hoạch dự án khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Thủy. (Ảnh: thanhthuy.gov)

Hiện nay Công ty TNHH Sông Thao đang làm các thủ tục chuyển nhượng dự án sang cho Tập đoàn Ecopark. Sau khi hoàn tất, Công ty Sông Thao sẽ được đổi tên thành Công ty Ecopark Sông Thao và cấp giấy chứng nhận mới. Đồng thời điều chỉnh, lập lại quy hoạch Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Thủy với quy mô 65 ha.

Tại phía Nam, Tập đoàn Ecopark đang đề xuất với tỉnh Đồng Nai về việc đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái Nhơn Trạch, tổng diện tích khoảng 3.800 ha.

Không chỉ Ecopark, nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng công bố các kế hoạch nhận chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất trong thời gian qua.

Đơn cử như Tập đoàn Bất động sản An Gia, doanh nghiệp đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất tiềm năng với 2 dự án tại quận 8 và TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đang trong quá trình thẩm định chuyên sâu, dự kiến cung cấp hơn 4.000 sản phẩm ra thị trường.

Trong khi đó, Nhà Khang Điền có kế hoạch chi 350 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ Công ty CP Phát triển bất động sản Lộc Minh - chủ sở hữu Dự án khu nhà ở cao tầng Công ty Lộc Minh, diện tích 1,9 ha, tại TP. Thủ Đức, thông qua công ty con là Saphire.

Nhiều nhà đầu tư các lĩnh vực khác cũng tranh thủ lấn sân sang thị trường bất động sản. Điển hình là Tập đoàn Đầu tư Din Capital nuôi tham vọng chuyển từ sản xuất bê tông lấn sang bất động sản, trọng tâm là dự án đầu tay Khu phức hợp trung tâm thương mại - căn hộ DaNang Landmark chính thức được động thổ tháng 11/2023, với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành từ quý IV/2025.

Tương tự, thông qua M&A, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng chính thức nhập cuộc chơi mới với dự án nhà ở xã hội tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau trên quy mô 17,67 ha, vốn đầu tư 632,8 tỷ đồng.

Một số chủ đầu tư khác cũng tham gia với một số thương vụ có quy mô nhỏ hơn, như Saigonres Group mua 90% cổ phần của Công ty CP Đức Nhi, trở thành chủ sở hữu của lô đất diện tích 7.700 m2 tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Hay Công ty Địa ốc First Real mua 22% cổ phần của Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu 1 lô đất diện tích gần 7.000m2 tại Đà Nẵng với giá 8,2 triệu USD (khoảng 200 tỷ đồng).

Cùng với đó, thị trường chứng kiến sự đổ bộ của nhóm nhà đầu tư nước ngoài với các thương vụ điển hình như Gamuda Land mua 100% vốn Công ty Bất động sản Tâm Lực để sở hữu dự án ở Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh; Keppel Land mua 49% cổ phần trong 2 dự án của Công ty Nhà Khang Điền; Capital Land mua lại dự án khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương...

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services, trong 2 năm 2022 và 2023, ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, song cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp còn ở lại và doanh nghiệp mới.

Chia sẻ với truyền thông, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam, cho rằng hai năm tới sẽ là giai đoạn sôi động của lĩnh vực M&A tại Việt Nam. Mặc dù lãi suất cao, triển vọng tăng trưởng và lợi suất tương đối cao của Việt Nam vẫn là yếu tố khiến thị trường bất động sản thu hút vốn.

"Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở khan hiếm, bất kỳ nhà đầu tư nào đủ năng lực ra mắt dự án đều có thể khai thác nhu cầu cao của thị trường lúc này, đặc biệt là phân khúc khách hàng tầng lớp trung lưu đang gia tăng", ông Neil MacGregor nói.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, đây là thời điểm mà cả doanh nghiệp lẫn khách hàng cần duy trì tâm lý thận trọng, không quá cực đoan trước những thông tin chưa tích cực, cũng không nên quá lạc quan trước các tín hiệu ảo.

Theo ông Neil MacGregor, thách thức lớn của các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam lúc này là những trở ngại về thủ tục hành chính, đặc biệt là trong việc giải quyết các khoản phí sử dụng đất. Cùng với đó, các nhà đầu tư hiện nay đang hết sức cẩn trọng về quyền sở hữu pháp lý của dự án, đảm bảo có một lộ trình rõ ràng để đạt được phê duyệt cần thiết từ Chính phủ. “Nếu khung pháp luật cho phép, dự kiến hoạt động M&A bất động sản sẽ bùng nổ trong hai đến ba năm tới”, ông nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong dự báo M&A trong lĩnh vực bất động sản năm 2024 sẽ tiếp diễn đậm nét hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng cơ hội chỉ dành cho các doanh nghiệp có chiến lược phát triển an toàn, bền vững, tập trung vào những phân khúc đáp ứng nhu cầu thực và đủ thực lực về tài chính. Đồng thời, thị trường sẽ loại bỏ dần những đơn vị thiếu năng lực, kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

“Những dự án bất động sản có khả năng mở rộng và phù hợp xu hướng nhu cầu trong nước và khu vực về thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài”, ông Phong nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất chấp khó khăn, nhiều “ông lớn” địa ốc tích cực gom quỹ đất khủng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO