Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ hôm nay (ngày 23/8), với mức điều chỉnh từ 0,3-0,5% ở hàng loạt kỳ hạn và giữ vị trí nhóm ngân hàng có lãi suất thấp nhất thị trường.
Ghi nhận biểu lãi suất huy động tại Agribank trong ngày 23/8 cho thấy, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 12 tháng điều chỉnh giảm 0,3%, còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm 0,5% so với biểu lãi suất cũ. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng niêm yết ở mức 4,7%/năm; 12 tháng là 5,8%/năm; 13 tháng trở lên đồng loạt là 5,5%/năm.
Cùng hạ lãi suất, BIDV điều chỉnh lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng giảm 0,3% xuống còn 3-3,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm từ 5% xuống 4,7%/năm, giảm 0,3% so với trước. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng điều chỉnh giảm từ 6,3% xuống còn 5,8%, giảm 0,5% so với biểu lãi suất trước.
VietinBank cũng áp dụng mức điều chỉnh giống BIDV, đưa lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhà băng này chỉ còn 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Với Vietcombank, lãi suất huy động cũng giảm 0,3-0,5% ở hàng loạt kỳ hạn. Theo đó, biểu lãi suất tại quầy của ngân hàng khá tương đương với BIDV, đều niêm yết kỳ hạn 1,3,6 tháng lần lượt là 3%/năm, 3,8%/năm, 4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên giảm 0,5%, xuống 5,8%/năm.
Trước đợt điều chỉnh của nhóm ngân hàng Big4, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất, thậm chí sau các lần giảm, lãi suất của một số ngân hàng này đã thấp hơn nhóm Big4. Nhu vậy, với động thái điều chỉnh lần này, nhóm ngân hàng Big 4 tiếp tục duy trì là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất thị trường.
Việc các ngân hàng giảm lãi suất lần này được xem như động thái hưởng ứng lòi kêu gọi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Vào giữa tháng 8/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Tại văn bản này, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm nay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm" vừa tổ chức cho biết, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế.
Do đó, từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế
Từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với chi phí hàng nghìn tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, CTCK MB (MBS) kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023, nhờ hai yếu tố, cụ thể:
Thứ nhất, kỳ vọng lãi suất điều hành giảm thêm 1 lần nữa (khoảng 0,5 điểm %) đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn COVID-19 (lần lượt là 4,0% và 2,5%), từ đó sẽ điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và bổ sung tiền gửi Kho bạc Nhà nước vào cách tính tỷ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động (LDR) giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động.
Theo MBS, lãi suất huy động giảm sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn, từ đó giúp các ngân hàng thương mại có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn vẫn chưa thật sự phục hồi, các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh về thị phần tín dụng sẽ trở nên gay gắt hơn.