Thị trường

Ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động trong tháng 4

M.Đ 02/04/2025 - 15:11

Mở đầu xu hướng giảm lãi suất huy động trong tháng 4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã điều chỉnh giảm 0,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng, mức cao nhất chỉ còn 5,8%/năm.

cdnmedia-baotintuc-vn_giaodichocb.jpg

Theo biểu lãi suất mới, OCB áp dụng lãi suất bậc thang cho hình thức tiết kiệm trực tuyến, chia thành 3 mức: dưới 100 triệu đồng, từ 100 triệu đến 500 triệu đồng và trên 500 triệu đồng.

Cụ thể, với các khoản tiền gửi tiết kiệm khoản dưới 100 triệu đồng, OCB áp dụng mức lãi suất huy động trực tuyến cho kỳ hạn 1 tháng là 4%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 4,1%/năm, kỳ hạn 3 - 4 tháng 4,2%/năm và kỳ hạn 5 tháng lên đến 4,6%/năm.

Với các kỳ hạn dài hơn, OCB niêm yết lãi suất huy động trực tuyến cho kỳ hạn 6 - 11 tháng là 5,1%/năm, kỳ hạn 12 - 15 tháng là 5,2%/năm, kỳ hạn 18 tháng là 5,4%/năm, kỳ hạn 21 tháng là 5,5%/năm và kỳ hạn 24 tháng là 5,6%/năm. Lãi suất huy động cao nhất dành cho tài khoản dưới 100 triệu đồng đang là 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Với mức tiền gửi tiết kiệm từ 100 triệu đến 500 triệu đồng, OCB áp dụng mức lãi suất cao hơn từ 0,2 - 0,25%/năm so với khung dưới 100 triệu đồng. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến niêm yết 4,2%/năm cho kỳ hạn 1 -4 tháng, 4,6%/năm kỳ hạn 5 tháng; 5,35%/năm cho các kỳ hạn 6 - 11 tháng, 5,45%/năm kỳ hạn 12 - 18 tháng, 5,5%/năm ở kỳ hạn 21 tháng, 5,6%/năm kỳ hạn 24 tháng và 5,8%/năm kỳ hạn 36 tháng.

Tương tự, mức tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng được hưởng lãi suất cao hơn từ 0,25 - 0,3%/năm. Lãi suất huy động cao nhất dành cho tài khoản trên 500 triệu đồng cũng là 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn khác được niêm yết cụ thể như sau: kỳ hạn 1 tháng là 4,25%/năm, kỳ hạn 2-4 tháng là 4,45%/năm, kỳ hạn 5 tháng là 4,6%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng là 5,4%/năm, kỳ hạn 12 - 21 tháng là 5,5%/năm và kỳ hạn 24 tháng là 5,6%/năm.

Mặc dù có sự khác biệt về hình thức huy động, lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy cũng đang được OCB áp dụng chung với mức lãi suất từ 21 - 36 tháng giống như gửi trực tuyến. Tuy nhiên, với các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất huy động tại quầy thấp hơn từ 0,1%/năm so với hình thức huy động trực tuyến.

Như vậy, tính từ sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại vào chiều ngày 25/2, tính đến ngày 2/4, đã có 28 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, với mức giảm từ 0,1% - 1,05%/năm, tùy theo kỳ hạn. Riêng trong tháng 3, đã có 21 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động, bao gồm: PGBank, Viet A Bank, Kienlongbank, Bac A Bank, Eximbank, LPBank, Nam A Bank, SHB, VCBNeo, VIB, Vikki Bank, MBV, BIDV, Techcombank, VietinBank, OCB, ABBank, BaoVietBank, BVBank, Agribank... Trong đó, Eximbank (4 lần giảm), Kienlongbank (3 lần giảm), PGBank và LPBank (2 lần giảm) lãi suất từ đầu tháng.

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hồi đầu tháng 3, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, trong 2 tháng đầu năm 2025, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như của ngành Ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng là tiếp tục giảm lãi suất theo hướng ổn định. Sau đó sẽ giảm lãi suất trên cơ sở tiết giảm chi phí của các ngân hàng thương mại tích tối đa nhất để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ giám sát chặt về lãi suất để đảm bảo vừa tạo sự chủ động cho ngân hàng thương mại, vừa chia sẻ với doanh nghiệp bằng giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay tất cả các kỳ hạn. NHNN sẽ chủ động điều hành các công cụ của mình để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thanh khoản, có nguồn vốn, không phải tăng vốn huy động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động trong tháng 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO