Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng tạo lập dòng tiền, luân chuyển vốn hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.
Theo đó, dòng chảy tín dụng không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gặp khó mà hỗ trợ các doanh nghiệp đủ vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ có ý nghĩa lan tỏa mạnh mẽ. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có dòng tiền và trả nợ ngân hàng tạo luân chuyển vốn và tác động hiệu ứng đối với các doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực khác phục hồi và tăng trưởng.
Báo cáo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho thấy, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 83 tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và công ty tài chính đang hoạt động.
Trong số này gồm: 17 chi nhánh tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước chi phối, 38 chi nhánh tổ chức tín dụng cổ phần, 1 chi nhánh tổ chức tín dụng liên doanh, 6 chi nhánh tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, 1 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 10 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng phát triển khu vực, 5 văn phòng đại diện công ty tài chính, 1 chi nhánh công ty tài chính và 2 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô.
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, công ty tài chính trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 8/2024 đạt hơn 314.486 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm 2024. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 164.773 tỷ đồng, tiền gửi dân cư đạt 145.789 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 340.573 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng khá tốt, nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, công ty tài chính trên địa bàn tỉnh chiếm 1,3% tổng dư nợ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động. Vietcombank Bình Dương tiếp tục đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, triển khai nhiều chính sách để tăng cường kiểm soát rủi ro, với tổng số dư nợ ưu đãi lãi suất 15.884 tỷ đồng, chiếm gần 84% tổng dư nợ với tổng số tiền lãi ưu đãi gần 80 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm 2024, Vietcombank Bình Dương đặt mục tiêu huy động vốn đạt 24.710 tỷ đồng, tăng 12,8%; dư nợ cho vay đạt 21.500 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, thời gian qua, phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay. Qua đó góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Thuận An vừa phối hợp các hội, đoàn thể thành phố nhận ủy thác tổ chức giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã giải ngân 2,630 tỷ đồng phục vụ chương trình cho vay giải quyết việc làm cho 30 hộ vay vốn. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố có 1.557 lượt khách hàng vay vốn, với số tiền cho vay đạt 99,8 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 595,5 tỷ đồng, với gần 10.000 khách hàng còn dư nợ.
Việc giao dịch tại trụ sở địa phương đã tạo thuận lợi cho ngân hàng kịp thời triển khai các chương trình tín dụng mới, đồng thời các đối tượng chính sách được giải ngân nhanh chóng để thực hiện mục tiêu sinh kế, ổn định cuộc sống.
Còn báo cáo từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bàu Bàng, cho biết, ngân hàng được giao tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trên 442 tỷ đồng, tăng trên 7,9 tỷ đồng so với đầu năm. Từ đó, Phòng Giao dịch Bàu Bàng đã tham mưu huyện phân bổ nguồn vốn đến các xã, thị trấn kịp thời theo nhu cầu vốn đã được xét duyệt từ đầu năm. Theo đó, tổng doanh số cho vay đạt 45,6 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ trên địa bàn lên 441,8 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch dư nợ được giao, với 8.794 hộ còn dư nợ.
Thời gian qua, vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện được nâng cao, công tác thu nợ đến hạn được quan tâm thường xuyên, tích cực đôn đốc hộ vay trả nợ đúng hạn, góp phần tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng. Tỷ lệ nợ quá hạn của Phòng Giao dịch Bàu Bàng thấp hơn so với bình quân cả tỉnh, hiện ở mức 0,083%.
Được biết, Một trong bốn nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 40- CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội là tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách. Cụ thể, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án, bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn…
Theo đó, trong 10 năm qua, Bình Dương đã tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn. Hằng năm, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đều dành một phần ngân sách chuyển bổ sung qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, nhất là các đối tượng thụ hưởng đặc thù gắn với các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong 10 năm (từ năm 2014 -2024), ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.846,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,4% tổng nguồn vốn. Trong đó, ngân sách tỉnh trên 1.579 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,6%; ngân sách cấp huyện 276,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,5%.
Sự tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương trong thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nguồn vốn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng đã phát huy hiệu quả trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu của tỉnh về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới… Kết quả đó đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ghi nhận, đánh giá cao, làm cơ sở tiếp tục bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Kể từ khi triển khai Chỉ thị số 40, tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, từ 3 năm trở lại đây, tỷ lệ nguồn vốn ủy thác địa phương so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh còn thấp so với bình quân chung cả nước. Năm 2024 nhu cầu vay vốn phục vụ 3 chương trình cơ bản như giải quyết việc làm, nhà ở xã hội và người chấp hành xong án phạt tù trên toàn tỉnh khoảng 100 tỷ đồng.