Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Tài chính xanh tại Việt Nam: Con đường phát triển nền kinh tế bền vững

LAN NGUYỄN (ghi) 30/03/2025 08:15

Tài chính xanh là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn vốn vào các dự án bền vững về môi trường và các hoạt động này đã phát triển cùng với sự gia tăng nhận thức về các vấn đề môi trường và khí hậu. Tài chính xanh đã chuyển dịch từ các sáng kiến ở phạm vi hạn chế thành một phần quan trọng của thị trường tài chính toàn cầu, được thúc đẩy mạnh mẽ từ nhu cầu giải quyết các thách thức môi trường và chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon.

pwc2.jpg

TÀI CHÍNH XANH LÀ CÁC HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VÀ PHÂN BỔ NGUỒN VỐN VÀO CÁC DỰ ÁN BỀN VỮNG VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG NÀY ĐÃ PHÁT TRIỂN CÙNG VỚI SỰ GIA TĂNG NHẬN THỨC VỀ CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG VÀ KHÍ HẬU. TÀI CHÍNH XANH ĐÃ CHUYỂN DỊCH TỪ CÁC SÁNG KIẾN Ở PHẠM VI HẠN CHẾ THÀNH MỘT PHẦN QUAN TRỌNG CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU, ĐƯỢC THÚC ĐẨY MẠNH MẼ TỪ NHU CẦU GIẢI QUYẾT CÁC THÁCH THỨC MÔI TRƯỜNG VÀ CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN KINH TẾ ÍT PHÁT THẢI CARBON.

untitled-2.jpg
1.jpg

Khung pháp lý về tài chính xanh của Việt Nam đang phát triển tích cực và được thúc đẩy bởi cam kết của Chính phủ và hợp tác quốc tế, nhằm mục tiêu tích hợp tín dụng xanh vào lĩnh vực ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Các sáng kiến chính bao gồm Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm tăng tín dụng xanh lên 10% tổng dư nợ vào năm 2025 và lên tới 25% vào năm 2030; cùng với đó là các hướng dẫn do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành về trái phiếu xanh và quản lý rủi ro môi trường.

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, Việt Nam vẫn còn đối mặt với những thách thức trong việc định nghĩa rõ ràng khái niệm “xanh” trong các chiến lược tài chính, dẫn đến sự mơ hồ trong việc xác định “dự án xanh”. Điều này không chỉ cản trở việc thực hiện hiệu quả các sáng kiến tài chính xanh, mà còn làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư, yếu tố quan trọng để thu hút nguồn vốn cần thiết. Bên cạnh đó, việc thiếu một khung pháp lý toàn diện và các hướng dẫn tiêu chuẩn cho các dự án xanh vẫn là một rào cản đáng kể. Việc thiếu một danh mục phân loại tài chính bền vững và các tiêu chuẩn báo cáo ESG không nhất quán có thể dẫn đến tình trạng “tẩy xanh”, làm giảm độ tin cậy của tài chính xanh.

Bên cạnh những thách thức tiếp cận tài chính xanh, Việt Nam hiện còn phải đối mặt với bài toán nan giải: Phát triển vì tài chính hay tài chính vì phát triển? Một mặt, Việt Nam cần tận dụng tối đa các công cụ tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra. Mặt khác, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đảm bảo không đi đôi với tác động tiêu cực đến môi trường. Sự mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và phát triển bền vững dài hạn trở nên đặc biệt rõ nét trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và nhu cầu kinh tế tức thời lấn át các mối quan tâm về bền vững lâu dài.

Những hạn chế về nhận thức và kiến thức chuyên môn giữa các doanh nghiệp và tổ chức tài chính địa phương cũng cản trở việc áp dụng tài chính xanh. Thực tế là, có những tổ chức chưa đủ năng lực chuyên môn để đánh giá tác động môi trường của dự án hoặc thiết kế hiệu quả các sản phẩm tài chính xanh.

Để giải quyết các vấn đề này, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống phân loại tài chính xanh rõ ràng, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực của các tổ chức liên quan. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể khai thác tối đa tiềm năng của tài chính xanh và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

2.jpg

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên vào năm 2020, huy động 3.000 tỷ đồng (~130 triệu USD) để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp bền vững. Khi Việt Nam đang phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan, tài chính xanh đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một số dự án đáng chú ý nhấn mạnh sự tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính xanh bao gồm Dự án Điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận, một trong những trang trại điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, nhận được khoản vay xanh từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ Khí hậu Xanh. Trong lĩnh vực sản xuất, một trong những thực hành tài chính xanh đáng chú ý tại Việt Nam là sự hợp tác giữa Ngân hàng HSBC và Công ty TNHH Nhựa Duy Tân, giúp Nhựa Duy Tân đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường, xây dựng thành công nhà máy tái chế nhựa hiện đại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

3.jpg

Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang có vô vàn cơ hội để phát triển. Ngành năng lượng Việt Nam đang ở thời điểm chuyển giao, với sự phụ thuộc lớn vào than đá và các nguồn năng lượng không tái tạo, nhưng Quy hoạch Phát triển Điện 8 đặt mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng tái tạo. Cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải carbon và thúc đẩy năng lượng tái tạo được các chính sách khuyến khích của Chính phủ hỗ trợ và tạo ra môi trường thuận lợi cho việc triển khai tài chính xanh.

Bằng cách thu hút đầu tư trực tiếp vào các dự án thân thiện với môi trường, tài chính xanh có thể thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và thủy điện. Việc triển khai các sản phẩm tài chính như trái phiếu xanh, các khoản vay ưu đãi và viện trợ có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn trong lĩnh vực năng lượng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế năng lượng bền vững.

4.jpg

Là trụ cột của ngành năng lượng Việt Nam, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của quốc gia. Gần đây, khu vực DNNN được giao nhiệm vụ thúc đẩy các dự án trọng điểm trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và các công nghệ mới nổi khác. Bằng cách định hướng dòng vốn tài chính xanh cho các DNNN, Việt Nam có thể đảm bảo rằng các doanh nghiệp này có đủ nguồn lực và ưu đãi để áp dụng công nghệ sạch và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

Quy mô và phạm vi: Với quy mô và tầm ảnh hưởng của mình, DNNN có khả năng triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Tài chính xanh sẽ trang bị cho DNNN nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính đột phá với tác động sâu rộng.

Giảm thiểu rủi ro: Các sản phẩm tài chính tăng cường tín dụng có thể giảm thiểu rủi ro đầu tư liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn, giúp DNNN dễ dàng thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Tận dụng lợi thế về mặt chính sách: Là các pháp nhân liên kết với chính phủ, DNNN có vị thế thuận lợi để dẫn dắt việc thực hiện các chính sách năng lượng quốc gia. Bằng cách liên kết các sáng kiến tài chính xanh với các mục tiêu của chính phủ, DNNN có thể đóng vai trò như chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi năng lượng theo định hướng chính sách.

Đổi mới và hiện đại hóa: Việc tiếp cận với tài chính xanh sẽ cho phép DNNN đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Để thành công trong quá trình chuyển đổi năng lượng, các DNNN cần huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Việc kết hợp các nguồn vốn như từ các tổ chức tài chính phát triển (DFI), ngân hàng thương mại, tài chính khí hậu và trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp đảm bảo nguồn vốn dồi dào và bền vững cho các dự án. Tuy nhiên, việc cân đối và quản lý hiệu quả các nguồn vốn này đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng về các yếu tố pháp lý và rủi ro tài chính.

1. Vốn vay ưu đãi và vốn ODA: Vốn ODA từ các DFI là một nguồn tài chính quan trọng, đặc biệt cho các dự án xanh tại Việt Nam. Với lãi suất thấp và thời hạn trả nợ dài, các khoản vay ODA giúp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện các dự án bền vững, như năng lượng tái tạo. Thông qua việc cung cấp lãi suất thấp hơn và thời hạn trả nợ kéo dài, các công cụ tài chính này cho phép các nước đang phát triển thực hiện các dự án xanh vốn có thể không khả thi về tài chính, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dòng vốn ODA ưu đãi này đã giảm đáng kể tại Việt Nam kể từ khi Việt Nam chuyển đổi từ một nền kinh tế thu nhập thấp lên mức thu nhập trung bình thấp. Các nguồn vốn này được quản lý bởi các luật bao gồm Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công và Nghị định số 114/2021/NĐ-CP. Các nguồn vốn ODA được ưu tiên cho tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

2. Trái phiếu xanh: Trái phiếu xanh là một công cụ tài chính hiệu quả giúp DNNN huy động vốn cho các dự án xanh, như năng lượng tái tạo. Bằng cách phát hành trái phiếu xanh, DNNN không chỉ thu hút nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững mà còn tạo cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế. Việc EVN Finance phát hành thành công trái phiếu xanh đầu tiên tại Việt Nam năm 2022 đã mở ra triển vọng mới cho các DNNN khác trong việc huy động vốn để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng.

3. Cơ chế tăng cường tín dụng và bảo lãnh: Thông qua bảo hiểm hoặc bảo lãnh thanh toán, cơ chế tăng cường tín dụng và bảo lãnh có thể góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách giảm thiểu rủi ro đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Những cơ chế này giúp giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, từ đó thu hút vốn vào các dự án năng lượng sạch. Nhờ có bảo hiểm và bảo lãnh, các dự án năng lượng có thể tiếp cận được những khoản vay với lãi suất thấp hơn, kỳ hạn dài hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn. Các tổ chức tài chính quốc tế như NEXI, JBIC, Sinosure, MIGA, IBRD, ADB và Guarantco đang cung cấp nhiều loại hình bảo hiểm và bảo lãnh để hỗ trợ các dự án năng lượng tại Việt Nam.

4. Các nền tảng tài chính chuyển đổi năng lượng: Các nền tảng tài chính chuyển đổi năng lượng, chẳng hạn như Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng (ETM), đã nổi lên như một cơ chế hợp tác tài chính mới giữa các nước phát triển và đang phát triển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và công bằng tại các nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các nền tảng này cung cấp nhiều nguồn vốn đa dạng, từ các khoản vay ưu đãi đến bảo lãnh, giúp các DNNN dễ dàng tiếp cận vốn để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, những nền tảng này còn kết nối các bên liên quan, từ chính phủ đến các tổ chức tài chính, để cùng nhau xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi năng lượng. Nhờ đó, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam được đẩy nhanh và trở nên bền vững hơn.

5. Các cơ chế tài chính xanh: Quỹ Đầu tư Khí hậu - Quỹ Công nghệ Sạch (CTF), Quỹ Khí hậu Xanh (GCF)... đang cung cấp nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả DNNN, đầu tư vào năng lượng sạch. Nhờ các cơ chế này, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Việt Nam sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Nhìn chung, bằng cách tận dụng tài chính xanh, đặc biệt với vai trò của DNNN trong việc thúc đẩy tài chính xanh, Việt Nam có thể mở ra một con đường phát triển bền vững. Cách tiếp cận này phù hợp với các mục tiêu kinh tế của đất nước đồng thời đảm bảo rằng việc tiêu thụ năng lượng vẫn có trách nhiệm với môi trường. Với sự kết hợp phù hợp giữa các sản phẩm tài chính và trọng tâm chiến lược, cùng với việc đánh giá kỹ lưỡng các hạn chế theo khung pháp lý (như hạn mức vay, sử dụng nguồn vốn, định hướng sử dụng vốn...), chi phí vốn và tác động của nó đối với giá dịch vụ/dịch vụ cuối cùng, và định hướng phát triển hướng tới các doanh nghiệp xanh sạch hơn, DNNN có thể đẩy nhanh cuộc cách mạng tài chính xanh của Việt Nam và định hướng cho một tương lai tươi sáng, sạch hơn. Song song đó, quá trình này yêu cầu các động thái và cải cách về mặt chính sách cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tài chính xanh.

5.jpg

Thị trường tài chính xanh của Việt Nam mặc dù còn non trẻ so với thị trường toàn cầu nhưng cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Thị trường trái phiếu xanh đang mở rộng và sức hút gia tăng của các khoản vay xanh trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nông nghiệp bền vững nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đối với các mục tiêu khí hậu và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon.

Để phát huy hết tiềm năng của tài chính xanh, Việt Nam cần giải quyết các thách thức cốt lõi về hoàn thiện khung pháp lý, tính minh bạch dữ liệu và thanh khoản thị trường. Việc xây dựng hệ thống phân loại xanh toàn diện, tăng cường báo cáo và dữ liệu ESG và đảm bảo tính nhất quán trong chính sách sẽ là những bước đi quan trọng trong hành trình này.

Với tiềm năng năng lượng tái tạo lớn và sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, Việt Nam có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về tài chính và đạt được các mục tiêu khí hậu. Kinh nghiệm, nguồn vốn và cam kết phát triển bền vững của các tổ chức này sẽ giúp Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái tài chính xanh mạnh mẽ, mở ra cơ hội trở thành một quốc gia dẫn đầu trong khu vực.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài chính xanh tại Việt Nam: Con đường phát triển nền kinh tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO