Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết trong một báo cáo gửi tới các Bộ trưởng Tài chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), “các lỗ hổng cấu trúc cố hữu” của tiền mã hoá khiến nó không phù hợp như một công cụ tiền tệ.
Báo cáo của BIS đã đưa ra các vấn đề về sự bất ổn, kém hiệu quả và tính trách nhiệm giải trình nhiều hơn các lợi ích đổi mới tiềm năng mang lại như thanh toán tự động.
Mặc dù có hàng triệu nhà đầu tư bán lẻ và tổ chức tham gia vào lĩnh vực đang phát triển này, nhưng “tiền mã hoá cho đến nay vẫn chưa khai thác được yếu tố đổi mới sáng tạo vì lợi ích của xã hội”, báo cáo cho biết.
“Tiền mã hoá chủ yếu vẫn là tự quy chiếu và không hề tài trợ cho hoạt động kinh tế thực sự,” báo cáo cho biết thêm. “Các lỗ hổng cấu trúc cố hữu khiến nó không phù hợp để đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tiền tệ.”
Báo cáo được đưa ra sau một năm đầy biến động đối với tiền mã hoá. Báo cáo trích dẫn những tổn thất từ sự sụp đổ của FTX và hệ sinh thái Terra, nguy cơ bị hack và bị các nhà phát triển bỏ dự án và cuỗm theo tiền của nhà đầu tư cũng như các vấn đề về quy mô mà một hệ thống thanh toán đầy đủ sẽ cần – vì theo báo cáo, các chuỗi khối không được phép khi phát triển quá lớn sẽ bị quá tải và gây khó khăn.
Sự hoài nghi của các ngân hàng trung ương về tiền mã hoá là vấn đề không có gì mới, do lo ngại rằng các hệ thống thanh toán mới có thể phá vỡ hoặc thay thế các loại tiền tệ pháp định truyền thống mà họ phát hành.
Các thành viên của G20 dường như thận trọng trong việc khuyến khích các loại tiền ổn định (stablecoin), tiền mã hoá gắn với giá trị của tiền pháp định, vì tác động đối với chính sách tiền tệ tập trung có thể còn rõ rệt hơn ở các thị trường mới nổi.