Bộ trưởng Bộ Y tế: Vắc-xin duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer – BioNTech

P.V| 10/11/2021 16:41
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến vắc-xin tiêm cho trẻ em, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vắc-xin duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer - BioNTech theo công nghệ mRNA. FDA, CDC Hoa Kỳ đã có khẳng định đến thời điểm này vắc-xin không ảnh hưởng đến sinh sản đối với trẻ em và Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Vắc-xin cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết, có ý kiến cho rằng vắc-xin chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này và cơ sở khoa học để Bộ triển khai tiêm vắc-xin đại trà cho trẻ em 12-17 tuổi để cử tri yên tâm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ em được đưa ra sau khi Bộ Y tế tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với WHO, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học; căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiêm vắc-xin mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Hiện loại vắc-xin này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia. Cách làm của các nước cũng như chúng ta là tiêm lứa tuổi cao xuống thấp, tiêm cho nhóm có nguy cơ, bệnh lý nền, sau đó mở rộng.

“Vắc-xin duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer - BioNTech theo công nghệ mRNA. Cơ chế tác động của vắc-xin này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người và giúp cơ thể sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, do không có sự xâm nhập trực tiếp của vắc-xin vào ADN của người, cho nên những ý kiến nói rằng nó có thể gây đột biến, ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ đến thời điểm hiện nay đã được FDA, CDC Hoa Kỳ khẳng định không có và Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi.

“Tất cả vắc-xin cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới, đã được tham khảo tổ chức quốc tế khi quyết định dùng cho trẻ em”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Bộ Y tế nhận trách nhiệm trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vắc-xin

Đối với các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vắc-xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam tiếp cận vắc-xin sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước.

Theo Bộ trưởng, có nhiều lý do gồm khách quan và chủ quan. Từ tháng 9/2020, Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận với COVAX. Tháng 11/2020, Việt Nam đã có thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vắc-xin. Trước đó, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc mua chậm, đó là:

Thứ nhất, là do tình trạng khan hiếm vắc-xin trên quy mô toàn cầu diễn ra cả năm qua và kéo dài đến nay.

Thứ hai, một số nước phát triển sản xuất được vắc-xin đã đặt hàng mua với số lượng rất lớn. Bộ trưởng cho rằng đây là tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề cung ứng vắc-xin trên quy mô toàn cầu. Có nước đặt hàng cao hơn nhu cầu sử dụng đến 4 lần.

Thứ ba, là do tâm lý sử dụng vắc-xin "không phải lúc nào cũng như hiện nay". Vào đầu năm 2021 đã có tình trạng tẩy chay, từ chối sử dụng vắc-xin diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.

Thứ tư, hàng loạt khó khăn Việt Nam gặp phải khi mua vắc-xin, trong đó có cả rào cản về pháp luật. Bên bán đề ra các điều kiện và không cho thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng, nhưng điều kiện các công ty cung ứng vắc-xin đưa ra đều không thể thay đổi, bởi đây là những điều kiện áp dụng chung trên toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vắc-xin, như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vắc-xin kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vắc-xin đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vắc-xin. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vắc-xin rất nhanh.

“Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề này và đã triển khai đảm bảo vắc-xin cho năm 2021 và năm 2022”, người đứng đầu ngành Y tế nhận trách nhiệm trước Quốc hội.

Với câu hỏi: Bao giờ có vắc-xin "made in Việt Nam"?. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế hết sức quan tâm và mong muốn chủ động được nguồn vắc-xin trong nước. Tuy nhiên, việc cấp phép sản xuất vắc-xin trong nước phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Y tế đã cố gắng để giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhưng về mặt khoa học thì phải tuân thủ.

Bộ Y tế đã thành lập 2 hội đồng (Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép). Các hội đồng này hoạt động độc lập với Bộ trưởng. Được biết, thời gian qua các hội đồng đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất để hoàn thiện hồ sơ cấp phép theo quy định. “Thời gian cụ thể phải chờ đợi kết quả từ 2 hội đồng”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Không cách ly tập trung với người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và tuân thủ 5K

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, đeo khẩu trang và không tiếp xúc nhưng chẳng may vô tình đi cùng thang máy với F0 và hoàn toàn có đủ khả năng tự cách ly tại căn hộ sẽ không bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày.

“Bộ Y tế đã trao đổi với TP. Hà Nội trong những trường hợp như vậy thì không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày và trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rất rõ trường hợp như vậy chỉ cách ly tại nhà 7 ngày”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đồng thời, Bộ Y tế đã có văn bản đưa ra các mức độ về những đối tượng tiêm 2 mũi vắc-xin, 1 mũi vắc-xin, người chưa tiêm và người đã khỏi bệnh thì như thế nào.

Tại nghị trường, Bộ trưởng đề nghị đối với các địa phương áp dụng để tạo sự thống nhất trong vấn đề thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bởi vì hiện nay đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì phải quản lý những rủi ro và làm tốt trên bình diện chung của tất cả các địa phương để tạo sự thống nhất, đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Y tế: Vắc-xin duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer – BioNTech
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO