Dự kiến, Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) sẽ mở thầu mua từ 300-500 ngàn tấn gạo vào giữa hoặc cuối tháng Ba này, đây cũng là giai đoạn các tỉnh/thành ở đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, cung nguồn lúa gạo hàng hóa sẽ rất dồi dào.
Trước đó, vào ngày 27/2/2024, Bulog đã mở thầu 300 ngàn tấn gạo không mời Việt Nam, tại gói thầu này các doanh nghiệp Thái Lan đã thắng áp đảo với 214.500 tấn gạo, Pakistan thắng 92.500 tấn, giá từ 636-645 USD/tấn (CRF). Một doanh nghiệp Thái Lan trúng giá cao nhất 655 USD/tấn giá (CRF) và doanh nghiệp khác bỏ giá thấp nhất 624 USD/tấn (CRF), quy giá FOB là 590 USD/tấn. Dự kiến gạo sẽ được giao trước ngày 30/4.
Bulog sẽ mở tiếp đợt thầu trong tháng Ba
Gạo là loại lương thực thiết yếu cho hầu hết 270 triệu người dân Indonesia, giá gạo trong nước đã tăng hơn 16% kể từ năm ngoái. Năm 2024, Bulog được cấp hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, nhưng do vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng nên Chính phủ Indonesia đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo bổ sung 1,6 triệu tấn cho năm nay, sau khi vận chuyển với khối lượng gần kỷ lục vào năm ngoái, do tình trạng khô hạn liên quan đến hình thái thời tiết El Nino khiến việc thu hoạch bị trì hoãn.
Việc Chính phủ Indonesia cấp hạn ngạch nhập khẩu bổ sung 1,6 triệu tấn gạo được đưa ra trong bối cảnh dự đoán vụ thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3 sẽ thấp hơn năm ngoái, do lượng mưa dưới mức bình thường ở Java - vùng trồng lúa trọng điểm của đất nước. Như vậy, tổng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm nay của Indonesia lên đến 3,6 triệu tấn gạo, đây là con số không hề nhỏ sau nhiều năm nước cố gắng đẩy mạnh sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc nguồn cung gạo từ nước ngoài.
Một doanh nghiệp gạo ở miền Tây cho biết, sau gói thầu 300.000 tấn thuộc hạn ngạch của năm 2024 vừa mở, Bulog sẽ tiếp tục mở thêm nhiều gói thầu khác nữa. Song, Indonesia không chỉ mua gạo thông qua các cuộc đấu thầu mà họ cũng đàm phán mua gạo với Ấn Độ và Trung Quốc. Bởi nhu cầu nhập khẩu gạo 3,6 triệu tấn gạo là rất lớn và nước này sẽ mở thầu từng phần để tránh gây sốc thị trường.
“Dự kiến trong tháng 3/2024, Bulog sẽ mở thầu mua gạo tiếp, đợt thầu này chắc chắn Bulog sẽ mời Việt Nam tham gia và sau khi doanh nghiệp Việt Nam giao hàng đạt trên 70% cho gói thầu 500 ngàn tấn gạo. Trong khi đó Philippines cũng có nhu cầu mua rất lớn nhưng chính phủ để cho tư nhân âm thầm gom hàng, ít mở thầu công khai”, doanh nghiệp này nói.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm XNK Miền Nam cho biết, khoảng 2 tuần nay giá lúa gạo bình ổn, không tăng, không giảm nhưng nếu trong tháng Ba, Bulog mở thầu từ 300-500 ngàn tấn gạo 5% tấm, trong khi vụ lúa Đông Xuân này diện tích trồng lúa IR50404 ở đồng bằng sông Cửu Long không nhiều, thì doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải mua lúa từ Campuchia do bà con nông dân sống dọc biên giới sang Campuchia thuê đất trồng rồi đưa về nước tiêu thụ thì mới có đủ lượng hàng cho các hợp đồng đã ký.
“Hiện giá gạo IR50404 đang giao dịch khoảng 13.000 đồng/kg, nếu sắp tới Bulog mở thầu từ 300-500 ngàn tấn gạo 5% và theo kế hoạch Cục Dự trữ quốc gia sẽ mua vào 200.000 tấn gạo 5% tấm dự trữ nhà nước, khi đó nhu cầu gạo IR50404 sẽ tăng cao, có thể sẽ tăng thêm khoảng 1.500-2.000 đồng/kg. Sở dĩ Việt Nam thiếu gạo IR50404 là do chúng ta không quy hoạch được vùng sản xuất loại lúa này, nên không nắm được diện tích gieo sạ mà chỉ chú trọng đến các giống lúa thơm và giống ST, trong khi gạo IR50404 là loại gạo chủ lực để sản xuất ra các loại bún, bánh phở... và xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Indonesia, Malaysia. Đặc biệt hạn ngạch nhập khẩu gạo 5% của Indonesia năm nay lên đến 3,6 triệu tấn”, ông Kiệt nói.
Theo ông Kiệt, đang có một nghịch lý là giá gạo IR50404 bằng với giá gạo OM5451, và chỉ thấp hơn gạo OM18 và DT8. Nguyên nhân là do nhu cầu loại gạo này đang rất cao đẩy giá gạo này tăng mạnh, sắp tới đây Bulog mở thầu có Việt Nam tham gia và trúng thầu với khối lượng lớn chắc chắn giá gạo IR50404 sẽ tăng mạnh.
“Vụ Đông Xuân này diện tích trồng lúa IR50404 của Việt Nam khá thấp, chủ yếu là nguồn lúa từ Campuchia về, trong khi đó chúng ta không biết được nguồn lúa này về Việt Nam sẽ như thế nào. Trước thực tế này ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long cần suy nghĩ nghiêm túc về diện tích lúa IR50404. Đây là giống lúa cho năng suất cao, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh nên ít sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu so với lúa OM18 và DT8, thời gian sinh trưởng ngắn ngày so với các giống lúa thơm và giống lúa ST”, ông Kiệt nói.
Theo AgroMonitor, hai tháng đầu năm nay, lượng gạo đã thông quan của Việt Nam đạt 941.000 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Top các thị trường xuất khẩu chính gồm: Philippines (471 ngàn tấn), Indonesia (170 ngàn tấn), châu Phi (Gana+Cote Divoire+Mozambique) 75 ngàn tấn, Cuba 60 ngàn tấn, Malaysia 37 ngàn tấn, Trung Quốc 18 ngàn tấn.
Trong tuần qua, lúa Đông Xuân thu hoạch rộ tại một số địa bàn. Cụ thể tại Cần Thơ, Kiên Giang (huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng), Hậu Giang (Long Mỹ, Phụng Hiệp), Sóc Trăng (Ngã Năm, Thạnh Trị), Cà Mau, Tiền Giang (Cai Lậy, Cái Bè), Vĩnh Long (Bình Minh, Bình Tân) nên nguồn cung lúa gạo dồi dào.
Theo ước tính của AgroMonitor, tính hết ngày 2/3/2024, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long diện tích lúa thu hoạch đạt khoảng 30% tổng diện tích xuống giống vụ Đông Xuân 2023-2024.