Đến hết tháng 11/2022, cả nước chỉ có 7 chung cư được phân hạng tại Thái Nguyên (3 chung cư), Hà Tĩnh (3 chung cư), An Giang (1 chung cư).
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa có báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đáng chú ý, báo cáo giám sát chỉ ra thực trạng các chủ đầu tư tự "phong hạng" cho chung cư bằng những tên gọi gây nhầm lẫn cho người mua, người thuê, như chung cư cao cấp, chung cư hạng sang, chung cư với tên gọi tiếng nước ngoài.
Theo Luật Nhà ở năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng được giao quy định việc phân hạng và công nhận phân hạng nhà chung cư và Bộ trưởng đã ban Thông tư số 31/2016/TT-BXD, song theo Thông tư này, việc phân hạng và công nhận phân hạng chỉ thực hiện khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức.
Báo cáo giám sát chỉ ra, đến hết tháng 11/2022, cả nước chỉ có 7 chung cư được phân hạng tại Thái Nguyên (3 chung cư), Hà Tĩnh (3 chung cư), An Giang (1 chung cư). Còn lại các chung cư khác không thực hiện phân hạng và công nhận phân hạng theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc các khách hàng mua chung cư hạng sang, cao cấp tại hầu hết các địa phương đều là tự phong.
Với phạm vi giám sát trọng tâm là giai đoạn từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 30/11/2022, đối tượng giám sát gồm Bộ Xây dựng và 5 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, báo cáo giám sát nêu rõ, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng chung cư, với 3.015 căn, gấp gần 2 lần con số 1.635 căn của TPHCM. Số lượng chung cư của Hà Nội cũng bằng 51% tổng số chung cư của cả nước. Hơn một nửa số chung cư của Hà Nội (1.880 căn) được xây dựng trước năm 1994.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 11/2022, cả nước có 5.857 chung cư, trong đó có 3.082 căn chung cư được xây dựng trước năm 1994.
Trong số này, chỉ có 49% xác định được niên hạn sử dụng (2.882/5.857 chung cư), do một số địa phương chỉ xác định niên hạn sử dụng đối với một phần chung cư trên địa bàn và nhiều địa phương không xác định được niên hạn sử dụng chung cư (như Hà Nội, Cao Bằng).
Trong số gần 2.900 chung cư xác định được thời hạn sử dụng, có 780 chung cư đã hết niên hạn sử dụng, 69 chung cư sẽ hết niên hạn vào năm 2025 và 64 chung cư khác sẽ hết niên hạn vào năm 2030. Nhiều chung cư tuy đã hết niên hạn nhưng qua kiểm định vẫn còn có thể sử dụng an toàn, tuy nhiên, không rõ bao nhiêu % trong số đã hết niên hạn được kiểm định và bao nhiêu % trong đó còn an toàn. Nhiều chung cư thuộc diện nguy hiểm cần cải tạo nhưng chưa được thực hiện.
Cụ thể, hiện nay có 366 nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, trong đó nhà chung cư đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại là 42 chung cư (chiếm 11%) và chung cư đang thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại từ ngày 1/7/2015 đến ngày 30/11/2022 (69 chung cư, chiếm 19%)...
Cũng theo báo cáo giám sát, số lượng nhà chung cư đã và đang thực hiện cải tạo, xây dựng lại chiếm tỷ lệ khiêm tốn (30%) so với tổng số nhà chung cần phải thực hiện cải tạo, xây dựng lại.
Đặc biệt là số này chỉ tập trung chủ yếu ở địa phương có cơ chế cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tốt như Hải Phòng, trong khi các vướng mắc về thể chế chưa được giải quyết để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Ủy ban Pháp luật cho rằng sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chưa quyết liệt nên kết quả thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại chung cư tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh còn chưa đạt kết quả đề ra.
Kết quả giám sát cũng cho thấy bên cạnh các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được chủ đầu tư triển khai theo đúng tiến độ kế hoạch, một số dự án gặp nhiều khó khăn trong việc đạt thỏa thuận về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với chủ sở hữu.