Các doanh nghiệp kỳ vọng có biện pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn

Minh Ngọc| 18/02/2023 09:54
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 17/2, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc nổi cộm đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes phát biểu. Nguồn: VGP

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes cho biết, nhu cầu sở hữu nhà của người dân còn rất lớn và tương lai còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tuy vậy, nguồn cung lại quá thấp, chưa đáp ứng được thị trường.

Trong khi đó, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp lại có hạn. Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời, nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn.

Ông Phạm Thiếu Hoa đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST phát biểu. Nguồn: VGP 

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST đã chia sẻ vướng mắc liên quan đến cơ chế đền bù quy định ở giai đoạn trước khi có Luật đất đai 2013. Đây là khó khăn kéo dài làm phát sinh nhiều chi phí và thời gian của chủ đầu tư. Do đó, ông mong Thủ tướng và Tổ công tác Chính phủ có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp để có thể triển khai dứt điểm các dự án giải phóng mặt bằng trong năm nay.

Quan điểm của GP.INVEST là bên cạnh việc sử dụng vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và đối tác, kể cả đối tác nước ngoài để bổ sung nguồn vốn. Vì vậy, khi Thống đốc NHNN khẳng định không siết tín dụng với bất động sản trong cuộc họp ngày 8/2/2023, các doanh nghiệp cảm thấy yên tâm hơn, tuy nhiên dự kiến vẫn phải vay tín dụng ngân hàng để triển khai các dự án. Do đó, ông Hiệp đề xuất NHNN cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án nếu như phương án kinh doanh đảm bảo có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Doanh nghiệp cũng đề nghị NHNN chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư. Ngoài ra, vì với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp nên chính sách tín dụng cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh" để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp.

Về tổng thể, doanh nghiệp kiến nghị NHNN có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất, vì chỉ số CPI cũng như giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ đều ổn định.

Bên cạnh vướng mắc về cơ chế chính sách, đại diện GP.INVEST nhìn nhận, việc gia hạn thời hạn thanh toán các trái phiếu có thể tháo bớt áp lực dòng tiền.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng. Nguyên nhân một phần là do có một số doanh nghiệp đã "quá đà" trong việc phát hành trái phiếu, gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản.

Vì vậy, cần gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành. Bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành, cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền.

Đồng thời, đối với việc sửa Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, cần cân nhắc thêm việc không quy định lượng trái phiếu được phép phát hành so sánh với vốn chủ sở hữu hoặc tài sản hiện có của doanh nghiệp; trách nhiệm của ngân hàng và công ty môi giới gắn với các công ty phát hành để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho thị trường tài chính như thời gian vừa qua.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh phát biểu. Nguồn: VGP

Về phía Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HOREA), Chủ tịch Lê Hoàng Châu cho rằng, vướng mắc về pháp lý chiếm đến 70% khó khăn, sau đó là tiếp cận nguồn vốn (nguồn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, từ thị trường chứng khoán, từ huy động của ngân hàng).

Ông Châu kiến nghị: (1) NHNN tạo điều kiện để doanh nghiệp có các khoản nợ tín dụng sắp đến hạn thì giữ nguyên nhóm nợ, cho phép tái cấu trúc không thành nhóm nợ xấu hơn; (2) Chỉ cho vay đối với những dự án để điều kiện như dự án có tài sản bảo đảm, dự án có điều kiện pháp lý, dự án có tính khả thi được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ; (3) Chính phủ sớm ban hành Nghị định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong đó gia hạn phù hợp thời hạn trái phiếu, rà soát, sửa đổi các nghị định khác chưa phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các doanh nghiệp kỳ vọng có biện pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO