Hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định và bền vững

Minh Ngọc| 11/02/2023 08:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bên cạnh việc thiếu dòng tiền, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho biết, 70% khó khăn hiện nay liên quan đến pháp lý. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần có giải pháp quyết liệt và đồng bộ, cũng như từ chính bản thân các doanh nghiệp BĐS.

BĐS đối diện nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp BĐS giải thể trong năm 2022 là gần 1.200 doanh nghiệp, tăng 38,7% so với năm 2021. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh; phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án; dừng IPO; phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%...

Tại Hội nghị Tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNH) tổ chức ngày 8/2, đại diện các doanh nghiệp BĐS chia sẻ, bên cạnh khó khăn lớn nhất là “vướng mắc pháp lý” chiếm 70%, thì các doanh nghiệp BĐS còn gặp khó khăn liên quan đến “trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn”, các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành “nợ xấu” hoặc “nhảy nhóm nợ xấu hơn”.

Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land chia sẻ, những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản một phần cũng đến từ việc các kênh huy động vốn trái phiếu và cổ phiếu đang bị tắc nghẽn.

Do đó, để giải quyết những trở ngại này, ông Lê Trọng Khương kiến nghị, các cơ quan ban, ngành cần xem xét có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Trong đó, NHNN xem xét nới room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh và đầu tư.

Trong khi đó, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes nêu ra một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến: mục đích mua bán hay đặt cọc, chuyển nhượng phần vốn góp và cổ phần trong các công ty đầu tư dự án và hoạt động M&A; bất động sản đang phải chịu hệ số rủi ro cao lên đến 200%; tài sản bảo đảm cho các khoản vay….

"Việc các doanh nghiệp BĐS đang chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200% so với hoạt động kinh doanh thông thường, khiến lãi suất cho vay phải chịu cao hơn các ngành nghề khác sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khách hàng. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, đại diện Vinhomes đề nghị nên xem xét điều chỉnh lại hệ số rủi ro này với các doanh nghiệp tốt, dự án tốt, có hiệu quả", ông Phạm Thiếu Hoa đề nghị.

Còn đại diện tập đoàn Sun Group cho biết, các doanh nghiệp BĐS đang chịu sự điều chỉnh của hơn 100 luật, nghị định, thông tư,…. Dù các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, điều chỉnh nhưng chưa theo kịp thị trường, vẫn còn sự chồng chéo, mâu thuẫn nên cũng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.

Để giải bài toán nguồn vốn, đại diện Sun Group đề nghị trong quá trình sửa đổi nên theo hướng nới lỏng điều kiện đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Từ tháng 11/2022, thị trường còn nhiều biến động về cả tài chính và bất động sản. Novaland đối diện nhiều khó khăn khi làm việc với các chủ nợ quốc tế, bao gồm đối diện với rủi ro hệ thống khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, trái phiếu thay đổi lớn... dẫn đến khó khăn nhất thời, niềm tin giảm mạnh. Các khoản vay trong nước cũng có nhiều khó khăn, Novaland đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ”, bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland chia sẻ tại Hội nghị Tín dụng bất động sản ngày 8/2.

Chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngành Ngân hàng là chưa đủ

Để hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định và bền vững, đồng thời có lợi cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững của cả hệ thống tín dụng, giới chuyên môn, nhà quản lý cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn...

Với những khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp BĐS và ngân hàng đang gặp phải, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đề nghị:

Thứ nhất, xem xét sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP để đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở lại với tình trạng bình thường, phát triển bền vững trong đó có việc ổn định tâm lý cho nhà đầu tư.

Thứ hai, liên quan đến thủ tục pháp lý, cần xây dựng hệ thống văn bản luật và văn bản hướng dẫn triển khai phù hợp với thực tiễn hơn, đồng thời có chính sách kiểm soát chặt chẽ và chế tài đối với các chủ đầu tư kinh doanh BĐS không đủ điều kiện pháp lý cũng như áp dụng các biện pháp nhanh chóng nhằm bình ổn giá BĐS trên thị trường.

Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai; Xây dựng kênh thông tin công khai, minh bạch để hạn chế hiện tượng đầu cơ, làm giá; Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch BĐS.

Thứ tư, đề nghị NHNN xem xét giãn lộ trình điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo Thông tư Thông tư 08/2020/TT-NHNN: từ ngày 1/10/2023 còn 30% sang tháng 6/2024. Đồng thời, xem xét áp dụng hệ số rủi ro ở mức phù hợp cho một số loại hình BĐS.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua khi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp BĐS, có thể thấy NHNN đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS. Trong 3 năm gần đây, tín dụng cho BĐS luôn tăng theo từng năm. Chính phủ và NHNN cũng chưa từng chỉ đạo siết tín dụng BĐS. Chỉ có việc chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay BĐS và Bộ Xây dựng hoàn toàn đồng tình với chủ trương cho vay đúng đối tượng, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đang chủ trì sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS để khắc phục sửa chữa những chính sách, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh hơn trong thời gian tới.

"Bộ Xây dựng đề nghị không chỉ từ phía các ngân hàng, mà các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu các quy định, điều kiện, tiêu chí cho vay để thực hiện cho đúng. Cần có tài sản bảo đảm, dự án có đủ pháp lý, như thế ngân hàng mới yên tâm giải ngân vì ngân hàng cũng phải thực hiện đúng pháp luật", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp BĐS cũng nên cơ cấu lại sản phẩm kinh doanh, rà soát lại các dự án đảm bảo nguồn lực và khả năng thực thi để thực hiện triển khai hiệu quả hơn.

"Mong NHNN chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp BĐS vay vốn, đặc biệt là cố gắng giải ngân tiếp các dự án đang thực hiện dở dang, các dự án có đầy đủ pháp lý. Đề nghị các ngân hàng làm việc với các doanh nghiệp để cơ cấu lại các khoản nợ xấu, hỗ trợ các doanh nghiệp, vì nếu để nhảy sang nợ xấu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, khó khăn cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị.

Tại Hội nghị Tín dụng bất động sản trên, các ngân hàng thương mại lớn như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, MB... đều khẳng định ngân hàng sẵn sàng ngồi với doanh nghiệp để xem xét tháo gỡ, cùng nhau hành động để vượt qua khó khăn; đồng thời sẵn sàng dành vốn cho các doanh nghiệp tốt, dự án bất động sản có hiệu quả.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO