(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong Báo cáo trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021 được công bố gần đây, Bắc Kinh được vinh danh là trung tâm Fintech tốt nhất, tiếp theo là San Francisco, New York, Thượng Hải, Thâm Quyến và London. TP. Hồ Chí Minh lần đầu xuất hiện trong bảng xếp hạng với vị trí thứ 44.
Bắc Kinh đã đứng đầu bảng xếp hạng Trung tâm Fintech toàn cầu (Global Fintech Hub) trong ba năm liên tiếp. Singapore đã lần đầu tiên bước vào danh sách hàng đầu (top 9) khi vượt qua Chicago.
Báo cáo do Viện Giám sát và Điều tiết Công nghệ Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang và Hiệp hội Tài chính Internet Chiết Giang đồng công bố.
Báo cáo dựa trên Chỉ số Phát triển Fintech được phát triển bởi Sinai Lab từ Học viện Tài chính Internet, Đại học Chiết Giang. Báo cáo đã chọn ra 50 thành phố hàng đầu trên thế giới về phát triển Fintech trong số khoảng 80 thành phố thông qua một chỉ số toàn diện dựa trên ba yếu tố, đó là ngành công nghiệp Fintech, trải nghiệm người tiêu dùng và hệ sinh thái, để đưa ra bản đồ Fintech toàn cầu và xu hướng tương lai.
Mỹ và Trung Quốc thống trị bảng xếp hạng các trung tâm fintech toàn cầu
Trong bảng xếp hạng tổng thể, Mỹ và Trung Quốc thống trị bảng xếp hạng các trung tâm Fintech toàn cầu khi lần lượt có 8 và 9 thành phố trong top 50. Vị trí của các thành phố dẫn đầu hầu như không thay đổi. Ba trung tâm Fintech toàn cầu hàng đầu trong ba năm qua là Bắc Kinh, San Francisco và New York. Thượng Hải đã xếp thứ tư kể từ năm 2019. Thành phố mới nhất tham gia vào các trung tâm Fintech cấp 1, được xác định là Top 9 của bảng xếp hạng là Singapore, đã vượt qua Chicago trong năm nay.
Bên ngoài danh sách các trung tâm cấp 1, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. 78% trong số 50 thành phố hàng đầu đã thay đổi thứ hạng. Seoul và Jakarta đạt được tiến bộ lớn nhất. Hai thành phố này tăng 4 bậc phần lớn nhờ vào các chính sách mạnh mẽ, việc niêm yết trên sàn chứng khoán của các công ty Fintech và sự gia tăng tỷ lệ người dùng dịch vụ của Fintech.
Trong bảng xếp hạng theo ngành, Trung Quốc và Mỹ đều có 5 thành phố lọt vào top 20. Toronto và Bombay lần đầu tiên có mặt trong top 20. Ấn Độ trở thành quốc gia đang phát triển thứ hai sau Trung Quốc lọt vào top 20.
Các nước đang phát triển dẫn đầu xếp hạng về trải nghiệm người tiêu dùng, trong khi các nước phát triển có lợi thế đáng kể trong hệ sinh thái Fintech
Các quốc gia đang phát triển tiếp tục dẫn đầu các Trung tâm Fintech toàn cầu theo xếp hạng trải nghiệm người tiêu dùng. 10 thành phố hàng đầu đến từ các quốc gia đang phát triển ở châu Á, 9 trong số đó là ở Trung Quốc. Hàng Châu, trụ sở chính của Alibaba, đã đứng đầu trong ba năm liên tiếp. Trong khi đó, San Francisco, London, Sydney và Singapore ở các nước phát triển nằm trong top 20 và đã cải thiện thứ hạng của họ. Úc đạt được tiến bộ đáng kể nhất, với Sydney và Melbourne đều tăng 3 bậc.
Các quốc gia phát triển có lợi thế đáng kể trong hệ sinh thái Fintech. 70% các thành phố trong 20 Trung tâm Fintech toàn cầu hàng đầu theo xếp hạng hệ sinh thái là từ các nước phát triển. Trong bảng xếp hạng năm nay, các thành phố của Trung Quốc đã được cải thiện thứ hạng nhiều nhất với tất cả 5 thành phố của Trung Quốc nằm trong top 20 đều tăng thứ hạng. Đáng chú ý, Bắc Kinh đã vượt qua New York và Thâm Quyến, và Thượng Hải đã vượt qua Tokyo. Singapore đứng thứ 8 vì có nền tảng công nghệ và tài chính mạnh mẽ, khả năng nghiên cứu và đổi mới xuất sắc, cũng như chính sách và môi trường pháp lý tốt.
Những thách thức và cơ hội phía trước cho các trung tâm Fintech toàn cầu
Mặc dù bảng xếp hạng bị thống trị bởi Mỹ và Trung Quốc, báo cáo vẫn cho thấy một bối cảnh sôi động của các trung tâm Fintech toàn cầu. Những cái tên mới tham gia bảng xếp hạng và sự cạnh tranh sôi động báo hiệu rằng sự thống trị của Mỹ và Trung Quốc trong bảng xếp hạng không phải là vĩnh viễn.
Một làn sóng phát triển Fintech mới trên toàn cầu đã đến. Nhiều quốc gia và trung tâm đang phát triển đã lọt vào danh sách, và các thành phố đầy hứa hẹn như Singapore, Seoul và Jakarta đang tiến lên nhanh chóng.
Mặt khác, động thái xử lý cứng rắn gần đây đối với các nền tảng internet ở Trung Quốc, trong đó có Ant Financial và Tencent – những đơn vị đang dẫn đầu về Fintech, có thể vẽ ra một tương lai u ám cho các trung tâm Fintech của nước này trong những năm tới. Mặt khác, việc thẳng tay trừng trị này lại có thể mang đến cơ hội mới cho một số doanh nghiệp Fintech, đặc biệt là những doanh nghiệp ở Đông Nam Á vốn sống dưới bóng của những gã khổng lồ Fintech trong khu vực để phát triển thịnh vượng. Điều này sẽ thúc đẩy các trung tâm Fintech đa dạng và mạnh mẽ hơn trong khu vực.
(Nguồn: The Asian Banker)