Cần 50 nghìn tỷ USD để các SME đạt mục tiêu toàn cầu về chuyển đổi sang nền kinh tế cân bằng khí thải

Thanh Hải| 31/10/2021 11:32
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo nghiên cứu mới công bố vừa được HSBC và Boston Consulting Group (BCG) công bố, một nửa trong tổng số 100 nghìn tỷ USD đầu tư cho các chuỗi cung ứng để cân bằng khí thải sẽ cần được rót vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Điều này đã nhấn mạnh vai trò của một mặt trận mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Nghiên cứu “Hướng đến các chuỗi cung ứng cân bằng khí thải” tính toán rằng các doanh nghiệp SME trên toàn cầu cần từ 25 - 50 nghìn tỷ USD nhưng việc tập trung vào phân khúc này sẽ càng tạo thêm sự phức tạp cho những thách thức khí hậu, do các doanh nghiệp SME thường ít có chuyên môn trong vấn đề khí hậu và việc tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện các hoạt động chuyển đổi chống biến đổi khí hậu còn hạn chế.

Nghiên cứu cho thấy rằng giải quyết các vấn đề này không chỉ dừng lại ở việc đưa ra những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp SME cộng tác với nhau trong việc chia sẻ công nghệ, nguồn lực và bí quyết để tạo nên hành động thực tế. Thách thức lớn hơn có thể là sự cần thiết thay đổi mang tính quy mô lớn về mặt sản phẩm, mô hình kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Cuối cùng, do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các công ty và nhu cầu chuyển đổi kinh tế toàn diện, các chuỗi cung ứng trở thành chìa khóa mấu chốt.

Nghiên cứu đã xác định rằng cần phải có một ‘cuộc thử thách về vai trò lãnh đạo' liên quan đến nhiều tác nhân. Kết quả cho thấy các công ty lớn không thể chỉ yêu cầu các tiêu chuẩn mới và ‘đòi hỏi nhiều hơn’ ở các nhà cung ứng của họ, vì điều này sẽ dẫn đến việc chậm tiến độ và không đạt được mục tiêu. Thay vào đó, để đạt hiệu quả, họ cần cùng nhau đầu tư và cung cấp thanh khoản thông qua hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng, chia sẻ kiến thức và nguồn lực liên quan đến sự chuyển đổi này, đồng thời giúp tuyên truyền về đổi mới và công nghệ trong chuỗi cung ứng.

Về phía chính phủ, nghiên cứu chỉ ra rằng, các chính phủ sẽ cần thiết lập các chính sách ưu đãi để cân bằng lại phương trình kinh tế hoặc áp đặt sự thay đổi thông qua các chính sách về công bố thông tin đồng thời đảm bảo sự đồng bộ giữa các khu vực tài phán. Các cơ quan ban ngành và các tổ chức phi chính phủ sẽ cần phổ biến kiến thức và nguồn lực, vận động hành lang để thay đổi - sử dụng chuyên môn trong lĩnh vực của họ để hỗ trợ các nhà cung ứng và phát triển các tiêu chuẩn của ngành. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ cần phải chấp nhận sự thỏa hiệp về giá cả, hình thức hoặc chức năng và sẵn sàng phản ứng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ phải thay đổi thói quen.

Theo HSBC và Boston Consulting Group, các ngân hàng sẽ có vai trò hỗ trợ bất kể khách hàng ở quy mô nào. Họ có thể tách riêng quỹ tài trợ tập trung cho các hoạt động chuyển đổi, sử dụng dữ liệu và kinh nghiệm phong phú của mình để dự đoán các dự án có thể mang lại tác động và đưa ra các xem xét việc quản lý rủi ro liên quan đến cân bằng khí thải.

Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể hợp tác với khách hàng trong các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng bền vững nhằm giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp SME. Trong khi tiếp tục tạo điều kiện đầu tư thông qua thị trường vốn và hợp vốn, các ngân hàng cũng cần hợp tác nhiều hơn với các chính phủ và ngân hàng phát triển trong các dự án hợp tác công - tư (PPP) để có thể gia tăng tài trợ hơn.

Nhận xét về kết quả nghiên cứu, bà Natalie Blyth, Giám đốc toàn cầu Trung tâm thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng của Tập đoàn HSBC cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thực hiện cam kết cân bằng khí thải là một tín hiệu tích cực, nhưng thực tế là việc kiểm soát phát thải một cách gián tiếp từ các hoạt động của đối tác trong chuỗi giá trị (thuộc 'Phạm vi 3' theo Tiêu chuẩn Khí nhà kính - Greenhouse Gas Protocol) sẽ cực kỳ khó khăn nếu không có các hành động khẩn cấp hỗ trợ các doanh nghiệp SME. “Do vậy, báo cáo này nhấn mạnh vai trò của một mặt trận mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và xây dựng liên minh, phá bỏ các rào cản giữa các chuỗi cung ứng và các bên liên quan, đồng thời chuyển đổi chuỗi cung ứng một cách toàn diện”, bà Natalie Blyth cho biết.

Còn theo ông, Sukand Ramachandram, Giám đốc Điều hành và Đối tác cấp cao, Boston Consulting Group cho biết: “Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu về khí hậu mà không có sự thay đổi của các doanh nghiệp SME, và báo cáo này đưa ra lộ trình cho sự chuyển đổi đó. Các chính phủ, ngành công nghiệp và công ty có tư duy tiến bộ sẽ để mắt đến cơ hội kinh tế dành cho những người có thể truyền cảm hứng và khuyến khích mọi người, đồng thời đi tiên phong từ tham vọng đến hành động”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần 50 nghìn tỷ USD để các SME đạt mục tiêu toàn cầu về chuyển đổi sang nền kinh tế cân bằng khí thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO