Cán cân thương mại thặng dư trở lại

Lan Nguyễn| 26/10/2021 07:36
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư trở lại sau chuỗi nhập siêu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8; tốc độ sụt giảm xuất khẩu đã cải thiện; một số dự án xuất khẩu lớn được triển khai… là những tín hiệu vui cho tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2021 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2021) đạt 26,14 tỷ USD, giảm 10,1% (tương ứng giảm 2,93 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2021. 

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10/2021 đạt 510,46 tỷ USD, tăng 23,6%, tương ứng tăng 97,36 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 353,93 tỷ USD, tăng 26,5% (tương ứng tăng tới 74,18 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 156,53 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 23,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

“Trong kỳ 1 tháng 10 năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 173 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,44 tỷ USD”, Tổng cục Hải quan cho biết.

Về xuất khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2021 đạt 13,16 tỷ USD, giảm 14,9% (tương ứng giảm 2,31 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 9/2021.

Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 10/2021 giảm so với kỳ 2 tháng 9/2021 ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,04 tỷ USD, tương ứng giảm 37,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 848 triệu USD, tương ứng giảm 25,6%; sắt thép các loại giảm 297 triệu USD, tương ứng giảm 32,4%...

Như vậy, tính đến hết 15/10/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 254 tỷ USD, tăng 18% tương ứng tăng 38,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ từ 01/01/2021 đến 15/10/2021 và cùng kỳ năm 2020

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 8,42 tỷ USD, tương ứng tăng 43%; sắt thép các loại tăng 5,12 tỷ USD, tương ứng tăng mạnh 135,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 4,25 tỷ USD, tương ứng tăng 12,5%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 4,07 tỷ USD, tương ứng tăng 10,3%... so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 10/2021 đạt 9,24 tỷ USD, giảm 18,5%, tương ứng giảm 2,1 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 9/2021. Tính đến hết ngày 15/10/2021, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt gần 186 tỷ USD, tăng 21,7%, tương ứng tăng 33,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2021 đạt 12,98 tỷ USD, giảm 4,5% (tương ứng giảm 618 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2021.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10/2021 giảm so với kỳ 2 tháng 9/2021 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 464 triệu USD, tương ứng giảm 12,7%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 374 triệu USD, tương ứng giảm 30,3%...

Như vậy, tính đến hết ngày 15/10/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 256,45 tỷ USD, tăng 29,6% (tương ứng tăng 58,62 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2021 đến 15/10/2021 và cùng kỳ năm 2020

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 8,96 tỷ USD, tương ứng tăng 18,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 8,65 tỷ USD, tương ứng tăng 30,9%; điện thoại các loại & linh kiện​ tăng 4,06 tỷ USD, tương ứng tăng 35%... so với cùng kỳ năm 2020.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 8,5 tỷ USD, giảm 10,8% (tương ứng giảm 1,03 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 9/2021. Tính đến hết ngày 15/10/2021, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt gần 167,93 tỷ USD, tăng 32,4% (tương ứng tăng 41,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 65,5% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Lý giải nguyên nhân giúp cán cân thương mại cả nước thặng dư trở lại, giới chuyên môn cho biết, trong chu kỳ sản xuất thông thường, doanh nghiệp thường tập trung ký kết hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm mới, đến quý I, quý II là thời gian tăng nhập nguyên liệu, sang quý III, quý IV tập trung vào sản xuất. Trên thực tế doanh nghiệp đã tăng xuất khẩu trong các tháng vừa qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu. Đến giai đoạn này, doanh nghiệp đã giảm nhập khẩu tư liệu xuất khẩu và tập trung xuất khẩu để hoàn thành các đơn hàng nên dẫn đến việc xuất siêu trong tháng 9 này. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA, cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.

Dự báo đến cuối năm về cán cân thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, nếu không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, 3 tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp các địa phương phía Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Năm nay, vào quý II và quý III, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Riêng khu vực 19 tỉnh phía Nam, xuất khẩu đã tương đương 45% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việc Chính phủ có văn bản chung đưa ra những tiêu chí nhất định trong vấn đề di chuyển của người lao động tạo thuận lợi rất nhiều cho quá trình khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp.

Kết thúc cả năm 2021, nhiều khả năng cán cân thương mại sẽ ở mức cân bằng; thậm chí, nếu tình hình thuận lợi hơn, năm 2021, cả nước có thể xuất siêu. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 có khả năng ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, trong khi năm nay, Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4 - 5%.

Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) nhận định, mục tiêu này là có cơ sở khi một số dự án xuất khẩu lớn đã được triển khai mới đây. Đơn cử, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng đã được tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD. Với số vốn đầu tư tăng thêm, công ty sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 - 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 - 14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm, sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán cân thương mại thặng dư trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO