Mặc dù quý I/2024, xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên nhu cầu tại các thị trường chính chưa phục hồi mạnh. Dự báo tình hình sẽ tốt lên từ quý III và quý IV kéo theo xu hướng giá sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 10% so với giá hiện tại.
Xuất khẩu cá tra chưa phục hồi
Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong quý I/2024, sản phẩm phile đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường, chiếm 80% tỷ trọng.
Tính đến hết tháng 3/2024, xuất khẩu các sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh đạt 329 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá tra Việt Nam, tuy nhiên khối lượng xuất khẩu giảm mạnh. Riêng trong tháng 3/2024, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 22%; giá trung bình xuất khẩu ở mức 1,94 USD/kg, giảm 1,5% so với cuối năm 2023.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của cá tra Việt Nam là Mỹ cũng ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 2/2024 đạt 16 triệu USD, giảm 8% so với tháng 2/2023. Tuy nhiên, do tăng mạnh trong tháng 1/2024 nên tính chung 2 tháng đầu năm 2024 vẫn đạt 34 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang đến tháng 3/2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tiếp tục giảm nhẹ so với tháng 2/2023.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cá tra chế biến giá trị gia tăng trong 3 tháng đầu năm nay đạt 9 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ, chiếm 2% tỷ trọng.
Trong đó, nổi bật, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Quý 1/2024, Trung Quốc và Hồng Kông mua từ Việt Nam hơn 305 nghìn USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái; Mỹ nhập khẩu 559 nghìn USD, tăng 449% so với cùng kỳ.
Ngoài các thị trường lớn của cá tra Việt Nam, như: Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ, EU,... Thái Lan, UAE, Đức là những thị trường nhỏ có tiềm năng.
Ngoài ra, một trong những thị trường được khuyến cáo nên chú trọng sản phẩm có giá cạnh tranh để tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 là thị trường Đức. Năm 2023, Đức tiêu thụ 38 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 31% so với năm 2022. Đức chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm phile đông lạnh với giá trị gần 37 triệu USD, tăng 34% so với năm 2022, chiếm 97% tỷ trọng.
Chỉ dòng vốn ngân hàng là chưa đủ, cần thêm các giải pháp vực dậy ngành cá tra
Tính đến cuối tháng 4/2024 dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tại tỉnh Đồng Tháp đạt khoảng 109.482 tỷ đồng. Hơn 9.300 hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, người dân đã được các ngân hàng giải ngân cho vay. Hệ thống ngân hàng Đồng Tháp đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 785 lượt khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Tổng dư nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (cả gốc và lãi) đến hiện nay đạt khoảng 268,6 tỷ đồng.
Đối với chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đến nay các tổ chức tín dụng tại địa phương đã giải ngân cho vay ngành hàng cá tra khoảng 52 tỷ đồng, trong đó một số doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này với lãi suất 5,12%/năm.
Do tiêu thụ cá tra giảm trong tháng 3/2024 đã dẫn đến giá cá tra nguyên liệu và giá cá tra giống đều giảm từ tháng 3/2024 đến nay. Tỉnh Đồng Tháp và An Giang - hai địa phương có diện tích nuôi và sản lượng cá tra lớn nhất nước - vừa có văn bản kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những giải pháp vực dậy ngành cá tra.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, năm 2023 giá trị sản xuất ngành cá tra đạt 8.557 tỷ đồng, chiếm 63,4% tổng giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Diện tích thả nuôi cá tra là 2.620 ha, sản lượng ước đạt 525.000 tấn, tăng 3,9% so với năm 2022.
Tuy nhiên, do giá bán cá thấp từ năm 2023 đến nay, trong khi hầu hết các chi phí đầu vào khác hiện nay đều cao hơn nhiều so với những năm trước nên người nuôi không có lãi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, tỉnh này có diện tích nuôi cá tra lớn thứ hai cả nước với 1.224 ha (có 382ha cung cấp nguyên liệu chế biến xuất sang Hoa Kỳ), sản lượng 575.000 tấn, tăng 5,3% so năm 2022.
Tỉnh có 15 doanh nghiệp với 18 nhà máy chế biến cá tra, các sản phẩm chủ yếu là fillet, cắt khúc, nguyên con xẻ bướm. Liên kết chuỗi cá tra thương phẩm hiện nay đã đạt 1.072 ha, chiếm 87,6% diện tích nuôi toàn tỉnh (của doanh nghiệp 778ha, còn 9 chuỗi liên kết với 99 cơ sở nuôi diện tích 294ha). Các ngân hàng trên địa bàn An Giang đã giải ngân vốn tín dụng đạt dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 15.409 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2023. Cho vay chương trình nông, lâm thủy sản 30.000 tỷ đồng trên địa bàn với dư nợ 647 tỷ đồng với 9 doanh nghiệp, doanh số từ đầu chương trình là 1.192 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho 33 doanh nghiệp và 186 cá nhân với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.565 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 62 tỷ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh An Giang và Đồng Tháp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có các chính sách để hỗ trợ đối với các vùng nuôi của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chứng nhận nuôi an toàn theo các tiêu chuẩn chất lượng, gắn kết với các hộ nuôi theo hình thức chuỗi liên kết. Đồng thời nghiên cứu, điều tra, dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra nội địa và xuất khẩu để có kế hoạch điều tiết nuôi trồng phù hợp. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu, sản phẩm cá tra Việt Nam, đây là giải pháp quan trọng để khẳng định vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong các tháng quý II/2024, hệ thống ngân hàng Đồng Tháp và An Giang tập trung đẩy mạnh hoạt động cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cho vay các lĩnh vực có thế mạnh tại địa phương như lúa gạo, cá tra, trái cây… Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen trong bối cảnh tình hình tài chính kinh doanh của doanh nghiệp, người dân vẫn gặp khó khăn do sức cầu suy giảm. |