(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhằm hạn chế dịch bệnh COVID-19, việc gửi hồ sơ thế chấp quyền sở hữu nhà đất, hồ sơ chuyển nhượng nhà đất tới cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu thực hiện qua bưu điện. Tuy nhiên, nếu xảy ra thất lạc có thể gây nhiều phiền phức, rủi ro cho người dân, doanh nghiệp.
|
Trong đợt bùng phát thứ 4, dịch bệnh COVID-19 lan nhanh tại nhiều địa phương. Tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nhằm đạt mục tiêu “kép”, vừa nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân cũng như phát triển kinh tế xã hội, nhiều địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Chẳng hạn, TP Hà Nội dừng hoạt động quán bar, karaoke, vũ trường, dừng hoạt động nhà hàng, quán cắt tóc, khu vui chơi, công viên, vườn hoa, các quán ăn chỉ được bán mang về. TP. Hồ Chí Minh cũng dừng hoạt động dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, dừng các hoạt động nghi lễ tôn giáo từ 10 người trở lên....
Tại Vĩnh Phúc, sau khi phát sinh các ca dương tính với COVID-19, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh, các cấp huyện và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động dịch vụ công trực tuyến, bố trí nhân lực, người lao động đảm bảo phục vụ các hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan đơn vị Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, học tập, làm việc. Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các hoạt động trực tuyến là một giải pháp hữu hiệu để các hoạt động kinh tế xã hội tiếp diễn mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Đây là những giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch bệnh COVID-19 và giữ ổn định kinh tế, xã hội ở các tỉnh, thành.
Tuy nhiên, trong áp dụng các biện pháp cũng cần cân nhắc kỹ để tránh những nguy cơ có thể xảy ra. Đơn cử, một số hoạt động nếu diễn ra trực tuyến 100% có thể gây ra phiền phức, rủi ro cho người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn, các hoạt động, giao dịch tài sản nhà đất, thường kèm theo các giấy tờ rất quan trọng chứng minh quyền sử dụng đất và phải là bản gốc. Nếu các hồ sơ thế chấp quyền sở hữu nhà đất, hoặc hồ sơ sang tên nhà đất cũng phải “giãn cách” không nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan có thẩm quyền mà nộp qua đường bưu điện, hoàn toàn có thể xảy ra rủi ro thất lạc.
Được biết, theo quy định pháp luật, người dân và doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện tùy theo nhu cầu. Do tài sản nhà đất có giá trị lớn, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng của người chủ rất quan trọng nên người dân và doanh nghiệp thường lựa chọn giải pháp nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa. Bởi vì, khi chuyển qua bưu điện, nếu rủi ro thất lạc xảy ra, hậu quả pháp lý cho các bên tham gia giao dịch là rất lớn, người mua không sang tên được nhà đất trong khi đã thanh toán hết tiền, ngân hàng không đăng ký được giao dịch bảo đảm thì người vay vốn không được giải ngân.
Vẫn biết, nếu bị thất lạc, người dân và doanh nghiệp hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng thủ tục này thường phức tạp và tốn thời gian. Chưa kể có thể phát sinh mâu thuẫn vì trách nhiệm hồ sơ bị mất thuộc về ai?
Có ý kiến chuyên gia cho rằng, về mặt luật pháp, đối với giao dịch nhà đất như đăng ký biến động, đăng ký giao dịch thế chấp, có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp hồ sơ qua bưu điện. Tức là người dân, doanh nghiệp được quyền lựa chọn phương thức nộp hồ sơ. Giờ đây, nếu cơ quan có thẩm quyền không nhận hồ sơ trực tiếp mà chỉ tiếp nhận hồ sơ qua bưu điện khi xảy ra thất lạc sẽ gây nhiều phiền phức, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bởi vậy, theo chuyên gia, với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến phù hợp, việc tiếp nhận hồ sơ cho một số dịch vụ công cần thiết vẫn có thể duy trì thực hiện mà không gây ra nguy cơ dịch bệnh.