(thitruongtaichinhtiente.vn) - IFRS 17 là mô hình kế toán được chuẩn hóa toàn cầu đối cho các hợp đồng bảo hiểm, tuy nhiên, có tới 70% số người tham gia cuộc khảo sát gần đây của PwC lại tỏ ra lo ngại về những khó khăn khăn thực tế trong áp dụng các nguyên tắc kế toán khi triển khai IFRS 17. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cho biết thời gian để triển khai IFRS 17 đã tăng từ 3,5 năm lên 3,8 năm.

Đánh giá trong ấn bản thứ hai của khảo sát “Đánh giá lộ trình áp dụng IFRS 17 - 2021: Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” vừa công bố, PwC cho rằng, IFRS 17 (Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế được Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế ban hành vào tháng 5/2017) là mô hình kế toán được chuẩn hóa toàn cầu đối cho các hợp đồng bảo hiểm. Đối với các công ty bảo hiểm đã báo cáo theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), các công ty này bắt buộc phải áp dụng IFRS 17 từ tháng 1/2023. Mặc dù IFRS 17 hứa hẹn nâng cao tính minh bạch và khả năng so sánh của thông tin, tuy nhiên, theo PwC việc áp dụng chuẩn mực này được đánh giá là phức tạp và đòi hỏi phương án xây dựng lộ trình phù hợp.

Vẫn là một quá trình dài và đầy thách thức

 

Kết quả khảo sát “Đánh giá lộ trình áp dụng IFRS 17 - 2021: Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” của PwC cho thấy, tỷ lệ những người tham gia khảo sát trả lời là “rất tự tin” vào khả năng áp dụng đầy đủ IFRS 17 vào ngày chuẩn mực có hiệu lực đã giảm từ 41% xuống 35% so với năm trước. 70% bày tỏ quan ngại về những khó khăn thực tế trong quá trình triển khai IFRS 17 mặc dù hơn một nửa trong số họ đã đi vào giai đoạn thiết kế chi tiết.

Việc triển khai IFRS 17 vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều công ty bảo hiểm. Các nhà điều hành bảo hiểm dự kiến ​​sẽ mất trung bình khoảng 3,8 năm để hoàn thành việc triển khai IFRS 17 từ đầu đến cuối. Thời gian kỳ vọng trung bình ngắn hơn đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ (3,4 năm) so với các công ty bảo hiểm nhân thọ (4,1 năm) và các công ty bảo hiểm hỗn hợp (3,9 năm).

Thời gian thực hiện dự kiến ​​có sự khác biệt đáng kể giữa những người được hỏi, với 25% cho biết rằng họ sẽ mất 5 năm hoặc lâu hơn để thực hiện IFRS 17. Điều này có nghĩa là cứ bốn người được hỏi thì có một người bỏ lỡ thời hạn thực hiện IFRS ngày 1/1/2023.

Những người được hỏi cũng tin rằng sẽ mất thêm 2,5 năm (trung bình) sau khi áp dụng IFRS 17 để tổ chức của họ hoàn toàn ổn định và trở lại hoạt động kinh doanh như bình thường. Khung thời gian này vẫn không thay đổi so với cuộc khảo sát trước đó được thực hiện vào năm 2020.

Nhìn chung, PwC cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đạt được nhiều tiến bộ trong chương trình thực hiện của mình trong năm qua - tỷ lệ người được hỏi lớn hơn (65%) đạt được giai đoạn thiết kế chi tiết vào năm 2021 so với 56% vào năm 2020.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của các công ty bảo hiểm tiếp tục thay đổi đáng kể. Trong khi 27% số người được hỏi đã bắt đầu với thiết kế chi tiết, 27% khác đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm. Hơn 1/3 (35%) vẫn chưa bắt đầu với thiết kế chi tiết và chỉ một số ít người được hỏi đã đạt được giai đoạn chuyển đổi (3%) và kinh doanh như bình thường (3%).

Thời gian dự kiến kéo dài khiến chi phí tổng thể khó ước tính và khó kiểm soát hơn. Khoảng 50% các công ty bảo hiểm khi xem xét chi phí triển khai thực tế của họ lo ngại rằng chi phí sẽ cao hơn ngân sách ban đầu. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên khi những người tham gia khảo sát tiếp tục gặp phải những trở ngại và trì hoãn mà họ không thể lường trước khi áp dụng IFRS 17.

Bà Trần Thị Thanh Trúc, Phó Tổng giám đốc, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo của PwC Việt Nam, nhận định, tại Việt Nam, việc tự nguyện áp dụng IFRS sẽ bắt đầu vào năm tới, chỉ một thời gian ngắn trước giai đoạn bắt buộc áp dụng vào năm 2025. Điểm mấu chốt là doanh nghiệp cần triển khai sớm, đặc biệt là đối với IFRS 17 do chuẩn mực này yêu cầu phân tích tài chính chi tiết và thông tin từ nhiều bộ phận khác nhau của doanh nghiệp.

Khảo sát nhấn mạnh rằng triển khai IFRS 17 là một quá trình dài và đầy thách thức với nhiều công ty bảo hiểm, bất chấp thời điểm áp dụng chuẩn mực đã được lùi tới 2023. Đối với những công ty chưa áp dụng IFRS, sự khác biệt giữa chế độ báo cáo sẽ khiến những công ty này mất thêm nhiều thời gian và công sức hơn, ví dụ, khi thực hiện đánh giá toàn diện các thiếu sót về dữ liệu, mô hình và quy trình hiện có, tìm hiểu về các tác động tài chính và giải trình những tác động đó tới những bên liên quan (như Hội đồng quản trị).

"Trong hoàn cảnh này, lập kế hoạch chi tiết và quản lý dự án cẩn trọng sẽ góp phần đảm bảo thực hiện thành công chuẩn mực này vào ngay khi có hiệu lực”, bà Trần Thị Thanh Trúc chia sẻ.

Nguồn nhân lực vẫn là mối quan tâm hàng đầu khi triển khai IFRS 17

Một trong những nhân tố góp phần làm trì trệ tiến độ triển khai IFRS 17 là do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng và có kỹ năng. Theo khảo sát trên, ba thách thức hàng đầu khi áp dụng IFRS 17 là: thiếu hụt nguồn nhân lực (21%), công nghệ (19%) và hạn chế về thời gian (17%).

 

Đây là năm thứ hai mà thiếu hụt nguồn nhân lực được coi là thách thức hàng đầu cho các công ty bảo hiểm. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia kế toán, định phí bảo hiểm và công nghệ thông tin có kinh nghiệm IFRS 17 sẽ tăng cao. PwC cho rằng, các công ty bảo hiểm nên đẩy nhanh quá trình nâng cao kỹ năng cho nhân viên và hỗ trợ thêm nếu cần nhằm duy trì đúng tiến độ cho một lộ trình IFRS 17 thành công.

IFRS 17 chắc chắn sẽ mang lại nhiều thách thức cho toàn doanh nghiệp, không chỉ riêng các bộ phận tài chính và định phí. Các công ty bảo hiểm sẽ có thêm thời gian để hoàn thành lộ trình áp dụng khi thời điểm có hiệu lực được lùi tới 2023. Tuy nhiên, những công ty bảo hiểm tại Việt Nam chưa bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cho các giải pháp IFRS 17 nên lưu ý thời gian và công sức cần bỏ ra cho việc thiết kế và thực hiện chuẩn mực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nhiều thời gian hơn để triển khai IFRS 17
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO