Con đường tiến tới IFRS là tất yếu của Việt Nam

Phạm Hiếu| 18/06/2019 14:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc nhìn nhận được khó khăn, thách thức sẽ giúp các cơ quan hữu quan tìm ra giải pháp hiệu quả để sớm đưa chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS 9) áp dụng tại Việt Nam. Còn đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam, để có thể áp dụng IFRS cũng sẽ không dễ dàng, nhưng nếu vượt qua những trở ngại và đi đến thành công, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ vững mạnh và có thể cạnh tranh tốt trên sân chơi toàn cầu.

Toàn cảnh khóa đào tạo

Khuyến nghị trên được nêu ra tại Khóa đào tạo “Áp dụng chuẩn mực IFRS 9 - Công cụ tài chính trong ngân hàng thương mại” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 18/6/2019 dành cho các tổ chức hội viên. Thuyết trình viên tại khóa đào tạo là các chuyên gia đến từ Công ty PwC Việt Nam và Malaysia.

Ông Trần Hồng Kiên – Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam

Theo ông Trần Hồng Kiên – Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS 9) thay thế chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 39 và đã được áp dụng rộng rãi bởi các định chế tài chính trên toàn cầu từ ngày 1/1/2018. Đến nay đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã tuyên bố áp dụng chuẩn mực này dưới các hình thức khác nhau. Việt Nam là một trong số ít quốc gia chưa áp dụng IFRS cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

Đối với ngân hàng, IFRS 9 đưa ra mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (ECL), áp dụng cho tất cả các công cụ tài chính liên quan đến rủi ro tín dụng, theo đó các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai, khác với thực tiễn hiện hành là chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh (Incurred Loss Mode) theo quy định trong IAS 39. Các mô hình rủi ro tín dụng mới sẽ cần phải được phát triển bằng cách sử dụng dữ liệu lịch sử về tổn thất tín dụng và các biến số kinh tế vĩ mô để ước tính tổn thất dự kiến trong tương lai.

Dự thảo lộ trình áp dụng IFRS đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt, dự kiến IFRS sẽ được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam từ sau năm 2025. Do vậy, các tổ chức tài chính trong nước đang gấp rút lên kế hoạch triển khai IFRS 9.

Theo Dự thảo lộ trình áp dụng IFRS của Bộ Tài chính, IFRS 9 sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng nhiều mô hình tài chính để xác định giá trị tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, giá trị sử dụng, giá trị thời gian, giá trị nội tại… Điều này sẽ nâng cao tính trung thực, minh bạch của của báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

IFRS yêu cầu thông tin công bố phải tập trung phản ánh diễn biến của thị trường tại thời điểm báo cáo. Việc này được thực hiện thông qua việc đánh giá lại giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi của tài sản và nợ phải trả… chứ không phải chỉ là các thông tin quá khứ tại thời điểm phát sinh giao dịch (giá gốc). Bởi vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán theo cơ quan soạn thảo sẽ giúp gia tăng niềm tin cho các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp như các cổ đông, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng,.. bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước và công chúng.

Kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia PwC trong tư vấn triển khai áp dụng IFRS 9 tại các nước trên thế giới cho thấy, so với các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn và cần nhiều thời gian hơn cho công tác chuẩn bị.

Bà Stefanie Tang – Giám đốc dịch vụ tư vấn tài chính của PwC Malaysia

Bà Stefanie Tang - Giám đốc dịch vụ tư vấn tài chính của PwC Malaysia - đánh giá: “Triển khai IFRS 9 sẽ là chìa khóa cho các ngân hàng Việt Nam muốn cung cấp thông tin tài chính minh bạch và thống nhất với các tiêu chuẩn toàn cầu. Tuy nhiên, một số khó khăn, thách thức có thể kể đến khi áp dụng IFRS tại Việt Nam như: chi phí cho việc áp dụng IFRS; sự khác biệt cơ bản giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và IFRS; việc chuyển đổi thuật ngữ kế toán từ tiếng Việt sang tiếng Anh; các cơ sở đào tạo tại Việt Nam hiện chưa có chương trình đào tạo về IFRS một cách hệ thống; cơ quan thuế cũng như các cán bộ thuế cũng chưa nắm rõ về các chuẩn mực của IFRS…

Bà Stefanie Tang cho biết, Malaysia là nước đã triển khai IFRS 9 thành công sau 2 năm chuẩn bị. Một cuộc khảo sát gần đây của các ngân hàng Malaysia dựa trên kết quả báo cáo quý I/2019 cho thấy, trích lập dự phòng đã tăng từ 25% đến 50% vào ngày đầu tiên áp dụng IFRS 9 và điều này tác động trực tiếp đến lợi nhuận giữ lại. Tuy nhiên, việc triển khai IFRS 9 sẽ là chìa khóa cho các ngân hàng Việt Nam muốn cung cấp thông tin tài chính minh bạch và thống nhất với các tiêu chuẩn toàn cầu. Điều này sẽ đem lại một hệ thống ngân hàng vững mạnh và giúp các ngân hàng Việt Nam định vị chỗ đứng để cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.

Khóa đào tạo đã trang bị thêm cho các học viên kiến thức tổng quát về IFRS9 và hiểu được mối quan hệ giữa IFRS 9 và Basel II như: tình trạng triển khai IFRS 9 tại một số nước ASEAN; một số khó khăn thách thức khi áp dụng IFRS 9 tại Việt Nam; đồng thời các chuyên gia đến từ PwC cũng đã chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm thực tế triển khai IFRS9 trong khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường tiến tới IFRS là tất yếu của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO