Các Hiệp hội ngành, nghề

Cảnh báo đứt gãy chuỗi cung ứng, Vinacas tìm giải pháp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu

Nguyễn Huyền 28/02/2024 - 14:50

Chiếm gần 80 % lượng nhân điều xuất khẩu và tiêu thụ gần 65% lượng điều thô thế giới, nhưng ngành điều Việt Nam không thể “làm chủ cuộc chơi” cảnh báo nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng. Nếu thực tế này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến những nước trồng và xuất khẩu điều thô do sụt giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.

z5197177812205_51ba91307c498c5506c188ef782aedad.jpg
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam

Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 năm 2024 do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) được tổ chức vào ngày 27/2 tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tại hội nghị, Vinacas kỳ vọng 370 đại biểu đến từ 40 quốc gia và trong nước sẽ đưa ra các giải pháp giúp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu.

Các giải pháp giúp định hình chuỗi cung ứng toàn cầu

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cho biết, sau khi thoát khỏi đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới suy giảm mạnh; tiếp đến là xung đột Nga-Ukraine và cuộc chiến giữa Israel-Hamas, đã tác động lớn đến kinh tế, xã hội các nước. Lạm phát tăng, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao, tiêu dùng giảm sút... gây ra những thách thức không nhỏ đến chuỗi cung ứng điều toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Vượt lên những thách thức đó, ngành điều Việt Nam đã lập một kỷ lục mới: Xuất khẩu trên 645.300 tấn điều nhân các loại. Song, phía sau con số kỷ lục ấy đang hình thành mối nguy cơ lớn đối với ngành điều Việt Nam và cũng là nguy cơ đối với ngành điều toàn cầu. Sự tăng trưởng “nóng” của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân, từ đó, giá nhân điều giảm sâu; trong khi giá điều thô rất cao ở đầu vụ, cuối vụ có giảm nhưng kèm theo là chất lượng giảm và vẫn không cân đối với giá bán của điều nhân, khiến cho nhiều nhà chế biến thua lỗ.

Sự tăng trưởng “nóng” về diện tích và sản lượng điều thô ở một số nước châu Phi và Campuchia chưa có dấu hiệu dừng lại; trong khi công nghiệp chế biến ở các nước này còn khiêm tốn. Một số nước có sản lượng lớn nhưng lại đang áp dụng chính sách bảo hộ sâu với điều thô như: Quy định mức giá bán tối thiểu; quy định thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí... dẫn đến giá điều thô cao. Các nhà chiên rang, kinh doanh siêu thị gặp sự cạnh tranh của các loại hạt khác dẫn đến tiêu dùng giảm không tăng được giá bán và do vậy, không tăng giá mua nhân điều. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, hàng loạt nhà chế biến Việt Nam và thế giới sẽ phá sản.

Với thị phần gần 80 % lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới và tiêu thụ gần 65% sản lượng điều thô thế giới; sự đổ vỡ của ngành chế biến điều Việt Nam sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường với ngành điều thế giới; không chỉ là giảm sút, đứt gãy nguồn cung nhân điều, mà còn là nguy cơ lớn với những nước trồng điều và xuất khẩu điều thô, do sụt giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.

Chính vì thế, tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13, năm 2024 này, bên cạnh việc kết nối giao thương, cung cấp thông tin, tăng cường các mối quan hệ song phương giữa các bên, Vinacas mong muốn hội nghị sẽ là nơi đưa ra các giải pháp giúp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu.

Đóng góp ý kiến về giải pháp giúp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn ông Michael Waring, Chủ tịch Hội đồng Hạt quả khô quốc tế (INC) cho biết, nhu cầu tiêu thụ điều phục hồi tương đối năm 2023 nhưng khủng hoảng biển Đỏ có thể ảnh hưởng đến ngành, do vậy, đòi hỏi toàn ngành phải đoàn kết cùng nhau thúc đẩy sự tiêu thụ và cần có giải pháp toàn cầu.

Còn theo ông Adama Coulibaly, Tổng Giám Đốc Hội đồng bông và điều Bờ Biển Ngà (CCA), Bờ Biển Ngà (BBN), để trong tương lai các nhà chế biến không vì thua lỗ phải đóng cửa, nông dân không có lợi nhuận phải ngừng sản xuất, cần phải tìm ra tiếng nói chung giữa nhà sản xuất điều thô và nhà chế biến.

Tương lai của ngành điều nằm ở khâu chế biến

Ông Babatola Faseru, Chủ tịch Liên hiệp hội điều châu Phi (ACA) cho biết, châu Phi chiếm 57% sản lượng điều thô toàn cầu và Việt Nam vừa là nhà nhập khẩu điều thô vừa là nhà xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. ACA luôn làm việc để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh cho ngành điều châu Phi và mang lại nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cho thế giới.

Còn theo ông Alex N’Guettia Assouman, Chủ tịch Hiệp hội những nhà xuất khẩu điều Bờ Biển Ngà (AEC-CI), tương lai của ngành điều nằm ở khâu chế biến. Bờ Biển Ngà sẽ chế biến và tiếp tục xuất khẩu, để cải thiện khâu chế biến cũng như đưa ra kế hoạch chiến lược phát triển lâu dài, cải thiện các chính sách hỗ trợ khâu chế biến và tạo ra các vùng nông nghiệp phát triển dọc theo bờ biển.

Tuy nhiên, ông Alex N’Guettia Assouman cũng chia sẻ, ngành điều Bờ Biển Ngà cũng đang gặp phải các vấn đề như: đối tác không tôn trọng thời gian giao hàng, sản phẩm tới điểm đến không thanh toán, sự thiên vị của các đơn vị kiểm định chất lượng và thay đổi giá khi sản phẩm đến điểm giao hàng… tạo nên khó khăn cho các doanh nghiệp của Bờ Biển Ngà. Đây cũng là những vấn đề đang diễn ra trong năm 2024.

“Khi chế biến tăng thì xuất khẩu điều thô chắc chắn sẽ giảm. Để duy trì ngành hàng phát triển lành mạnh cần có sự công bằng trong thương mại, cùng nhau cải thiện chất lượng và tăng giá thu mua cho nông dân, muốn vậy phải giải quyết tính thiên vị và chất lượng của các công ty. Tất cả vấn đề này nhằm mục đích duy trì sự tín nhiệm giữa các bên”, ông Alex N’Guettia Assouman nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo đứt gãy chuỗi cung ứng, Vinacas tìm giải pháp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO