Thứ Hai, 21/4/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Giá vàng liên tục tăng “nóng” trong những tháng đầu năm 2025, đồng nghĩa với việc các “ông lớn” kinh doanh vàng, trang sức có thể đối mặt với bài toán giá vốn tăng, kéo biên lãi gộp giảm.
Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm 2025, giá vàng trong nước đã tăng mạnh, từ mức 84 triệu đồng/lượng lên hơn 103 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới leo thang. Cập nhật đến 11h30 ngày 10/4, giá vàng miếng SJC đã thiết lập đỉnh mới, ở mức 103,9 triệu đồng/lượng.
Biến động giá vàng không chỉ tác động đến thị trường mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vàng như Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Càng bán nhiều vàng miếng càng lãi thấp
Là những doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần kinh doanh vàng nhưng kết quả kinh doanh của 4 “nhà vàng” này lại có sự phân hóa rõ rệt trong những năm qua.
Xét về doanh thu, SJC từng nhiều năm dẫn đầu, nhưng từ năm 2021 PNJ đã vượt lên. Xét về lợi nhuận, PNJ cũng đã chiếm vị trí số 1 kể từ năm 2018, với lãi sau thuế đạt gần 960 tỷ đồng, gấp nhiều lần lợi nhuận của DOJI và SJC cộng lại. Từ năm 2019 đến nay, PNJ luôn duy trì lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm và năm 2024 đã chính thức vượt mức 2.000 tỷ đồng (đạt 2.113 tỷ đồng, tương đương gần 5,8 tỷ đồng mỗi ngày).
Trong khi đó, lợi nhuận của SJC từ năm 2014 đến nay luôn chỉ ở mức hai chữ số (chục tỷ đồng), còn lợi nhuận của DOJI thì trồi sụt (năm 2021 là 234 tỷ đồng, năm 2022 đạt 1.017 tỷ đồng và năm 2023 đạt 491 tỷ đồng) dù cùng kinh doanh vàng trang sức, vàng miếng và cũng có hàng trăm chi nhánh, trung tâm kinh doanh và đại lý như PNJ. Thậm chí, lợi nhuận của Bảo Tín Minh Châu còn kém xa 3 doanh nghiệp còn lại, chỉ ở mức 4-5 tỷ đồng (số liệu ghi nhận tại năm 2022, 2023).
Khác biệt về chiến lược kinh doanh là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch trong kết quả kinh doanh của các “ông lớn” kinh doanh vàng này. PNJ và DOJI tập trung nhiều hơn vào mảng trang sức, trong khi SJC lại được biết đến với lợi thế là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Tên tuổi của Bảo Tín Minh Châu lại gắn liền với thương hiệu Vàng rồng Thăng Long.
Từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng có thể thấy, doanh nghiệp càng có tỷ trọng kinh doanh vàng miếng cao thì lợi nhuận lại càng thấp. Như tại SJC, nhiều năm qua giá nguyên liệu đầu vào cao, luôn chiếm tỷ trọng tới 98-99% so với doanh thu đã “ăn mòn” lợi nhuận. Đơn cử, trong năm 2023 dù ghi nhận doanh thu "khủng" hơn 28.400 tỷ đồng nhưng giá vốn lên tới 28.166 tỷ đồng, tương đương hơn 99%, dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 242 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức khiêm tốn 0,85%.
Lãnh đạo SJC từng chia sẻ, lợi nhuận của công ty sụt giảm một phần do không được sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, công ty chuyển hướng kinh doanh vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này.
Sớm xác định trang sức là mảng chủ lực, những năm qua PNJ đã liên tục “hái quả ngọt” với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng. Trong năm tài chính gần nhất, cơ cấu doanh thu từ mảng trang sức của PNJ chiếm tới 68,3% doanh thu, trong khi mảng vàng 24K chiếm 30,8%. Trước đó, năm 2023, cơ cấu doanh thu mảng trang sức và vàng 24K của PNJ lần lượt là 66,7% và 31,5%. Sự chuyển dịch tăng tỷ trọng mảng trang sức cũng góp phần giúp PNJ duy trì biên lợi nhuận ổn định và nối dài đà tăng liên tiếp trong 10 năm qua (2015-2024).
Bài toán khó khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao
Thực tế, sau “cơn sốt” vàng nửa đầu năm 2024 và động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) cùng SJC tham gia mua vàng từ NHNN để bán trực tiếp tới người dân, các doanh nghiệp vàng như PNJ hay DOJI đã giảm dần tỷ trọng kinh doanh vàng miếng.
Báo cáo VDSC vào cuối quý III/2024 đã đưa ra dự báo trong bối cảnh giá vàng leo thang và việc siết chặt quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng từ năm 2025 trở đi do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu bán lại vàng miếng của người dân thấp.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng, mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là mảng phụ mà PNJ giữ lại để tiếp cận và thu hút khách hàng cho mảng cốt lõi là bán lẻ trang sức.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, lãnh đạo PNJ cũng khẳng định công ty sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng. Song công ty đang gặp những thách thức trong việc tìm nguồn cung vàng nguyên liệu kể từ cuối năm 2024. PNJ kỳ vọng Nghị định 24/2012/NĐ-CP sẽ sớm được sửa đổi để tháo gỡ khó khăn và đang lên kế hoạch tăng tái chế, thu mua và nhập khẩu trang sức nhằm đảm bảo nguồn cung.
Nếu bị trì hoãn, PNJ có kế hoạch tăng tái chế trang sức, mua lại trang sức và nhập khẩu trang sức để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Do những thách thức trong việc thu mua vàng nguyên liệu, PNJ đã chuyển từ bán vàng miếng sang các mặt hàng có hàm lượng vàng thấp hơn, nhưng có biên lợi nhuận cao hơn nên chỉ ghi nhận doanh thu từ các sản phẩm thay thế vàng miếng, trong khi không ghi nhận doanh thu bán vàng miếng vào ngày Thần Tài.
Với nhận định doanh thu bán vàng miếng sẽ bị thu hẹp trong năm 2025, PNJ dự kiến doanh thu thuần năm 2025 sẽ giảm so với năm 2024. Cụ thể, theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 31.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 7% so với năm ngoái.
Để cải thiện biên lợi nhuận gộp trong năm 2025, PNJ dự kiến nâng cao tỷ trọng doanh thu bán lẻ. Doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho một số sáng kiến, bao gồm tối ưu hóa sản xuất và thiết kế, ra mắt sản phẩm mới hiệu quả hơn và tiếp tục tập trung vào trang sức có biên lợi nhuận cao, hàm lượng vàng thấp hơn để giảm thiểu các thách thức trong việc tìm nguồn cung vàng đầu vào.
Trong năm 2024 khi thị trường trang sức tăng trưởng âm mấy chục phần trăm, PNJ vẫn tăng trưởng dương nhờ công ty mở rộng mạng lưới để chiếm thị phần và tiếp tục tung ra các bộ sưu tập mới cho các nhóm khách hàng riêng biệt.
Dù vậy, để gia tăng doanh thu bán lẻ, PNJ có thể sẽ phải vượt qua một rào cản khác là vấn đề tâm lý của người tiêu dùng. Trong bối cảnh giá vàng liên tục phá đỉnh, chi phí sản xuất tăng cũng sẽ tăng theo, kéo giá bán lẻ tăng. Điều này khiến người tiêu dùng trở nên e dè hơn trong việc chi tiêu cho trang sức vàng. Thay vào đó, họ có xu hướng ưu tiên tích trữ vàng 24k (9999 hoặc 999) để bảo toàn giá trị hoặc tiết kiệm, gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng doanh thu mảng trang sức của PNJ.
Theo đánh giá của lãnh đạo PNJ, từ đầu năm tới nay, thị trường bán lẻ trang sức nói chung còn yếu. Cho nên, ở kịch bản tốt nhất, doanh nghiệp này kỳ vọng phục hồi chi tiêu tiêu dùng từ quý III/2025, được hỗ trợ bởi các chính sách kích thích kinh tế. Trong khi đó, ở kịch bản kém tích cực hơn, sự phục hồi có thể bị trì hoãn đến quý IV/2025 hoặc muộn hơn.
Với các doanh nghiệp có tỷ trọng kinh doanh vàng miếng lớn hơn như SJC hay Bảo Tín Minh Châu, việc người dân đổ xô đi mua vàng lúc giá vàng tăng cao có thể giúp doanh thu của các doanh nghiệp này tăng trưởng. Song mặt khác, sự tăng vọt của giá nguyên liệu đầu vào và thiếu nguồn cung vàng thô cũng sẽ là bài toán khó cho SJC hay Bảo Tín Minh Châu, nhất là khi giá vốn của các doanh nghiệp này trong nhiều năm qua gần như đã chiếm gần hết doanh thu.
Theo các chuyên gia, thị trường vàng trong năm 2025 sẽ chịu tác động phức tạp giữa môi trường rủi ro kinh tế và địa chính trị. Do đó, triển vọng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng phụ thuộc vào khả năng thích ứng với biến động giá cả và quản lý nguồn cung nguyên liệu. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những biến động này, đồng thời tìm kiếm cơ hội trong thách thức để tiếp tục phát triển bền vững.