Cánh Diều lại hoãn "giấc mơ bay"?

Khánh Hà| 01/09/2020 08:37
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chính thức đề nghị Thủ tướng dừng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) do những khó khăn của thị trường hàng không vì đại dịch COVID-19.

Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, mới đây, trong Công văn số 5568/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.

Nguyên nhân dừng quyết định chủ trương đầu tư dự án vì ngành hàng không trong nước đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, việc cấp phép thêm hãng hàng không mới sẽ không hiệu quả.

Trước đó, vào tháng 6/2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng có văn bản đề xuất Chính phủ chỉ cấp phép chủ trương thành lập hãng hàng không mới sau năm 2022 - thời điểm thị trường hàng không phục hồi.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT, và giao Bộ KH&ĐT với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Cánh Diều, căn cứ kiến nghị của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng quyết định.

Bộ GTVT cho biết bộ hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư lập hãng hàng không Cánh Diều được xây dựng trong những năm 2018-2019 khi thị trường hàng không trong nước và quốc tế phát triển tốt với mức tăng trưởng từ 13,2-20%/năm.

Hàng không Cánh Diều đề xuất khai thác máy bay ATR72 trong giai đoạn đầu vận hành.

Nhưng theo đánh giá mới đây của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy dịch COVID-19 đã khiến thị trường hàng không trong và ngoài nước suy giảm nghiêm trọng. Cục này dự báo tổng quy mô thị trường hàng không Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 42,7 triệu lượt khách, giảm 46% so với năm 2019.

Hiện các hãng hàng không Việt Nam có 214 tàu bay, nhưng chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỉ lệ khai thác chưa tới 50% so với năng lực.

Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không trong tình hình hiện nay, Bộ GTVT cho rằng trước mắt cần tập trung vào phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không đang hoạt động.

Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ chỉ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, Bộ GTVT đề xuất.

Vào giữa tháng 4/2020, trong quá trình xem xét đề xuất chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững; báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.

Dự án vận tải hàng không Cánh Diều có mục tiêu thành lập một hãng hàng không chi phí thấp, khai thác kinh doanh vận chuyển hàng không thường lệ với số vốn 1.000 tỷ đồng, tập trung khai thác các đường bay nội địa, với các đường bay nối trực tiếp tới các địa phương có dung lượng thị trường nhỏ và các đường bay nối Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Nội Bài, Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương.

Trong năm đầu tiên vận hành thương mại, Cánh Diều sẽ khai thác 6 tàu bay cánh quạt tầm ngắn ATR72 hoặc tương đương với sân bay căn cứ là Chu Lai và Đà Nẵng. Đến năm khai thác thứ 5 (năm 2025), đội bay của Cánh Diều sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương.

Về phần mình, không tránh khỏi khó khăn của ngành du lịch, trong báo cáo tóm tắt tình hình tài chính gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh cho biết lỗ sau thuế 242 tỉ đồng sau 6 tháng. Cùng kỳ năm trước, công ty có lợi nhuận ròng 37 tỉ đồng.

Mức lỗ sau 2 quý đầu năm của Thiên Minh cao hơn cả lợi nhuận 141 tỉ đồng của năm 2019. Hai năm trước đó 2017-2018, Thiên Minh đạt lợi nhuận 183 và 325 tỉ đồng. Đến cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của Thiên Minh là 1.345 tỉ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 1.560 tỉ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tương ứng là 1,16.

Cho đến thời điểm này, cơ hội sớm được phê duyệt của Dự án vận tải hàng không Cánh Diều của là rất mỏng, nếu không muốn nói là không còn

Giữa năm 2019, ông Trần Trọng Kiên thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh (Kite Air) có trụ sở ở tỉnh Quảng Nam với tổng vốn đầu tư 5.500 tỉ đồng. Trong đó, vốn điều lệ của Kite Air là 1.000 tỉ đồng. Ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỉ đồng, giữ 60% cổ phần; Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỉ đồng, chiếm 30% và bà Trần Hằng Thu góp 100 tỉ đồng, tương đương 10%. Bà Thu là Phó tổng giám đốc của Thiên Minh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành hàng không dân dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 cộng thêm quy định mới của Chính phủ quyết định không xem xét thành lập thêm các hãng hàng không mới đến năm 2022. Hãng hàng không của Thiên Minh chỉ có thể được phê duyệt chủ trương đầu tư sớm nhất vào năm 2022.

Trước đó, Thiên Minh và hãng hàng không giá rẻ lớn hàng đầu châu Á là AirAsia từng hợp tác để thành lập một liên doanh hàng không ở Việt Nam, nhưng thương vụ đổ bể vào tháng 4.2019 do hai bên không tìm được tiếng nói chung trong các thỏa thuận.

Trong bối cảnh thua lỗ cộng thêm tình hình thua lỗ vẫn có thể kéo dài đến hết năm nay, Thiên Minh có thể thực hiện được ước mơ “bay” với KiteAir vào 2022 như dự tính? Cũng phải nói thêm, sau ngành du lịch, hàng không cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh khiến nhiều hãng bay trong nước và quốc tế đều đang thua lỗ, thậm chí đối mặt tình trạng phá sản.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cánh Diều lại hoãn "giấc mơ bay"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO