Cấp thiết kế hoạch tín dụng thời hậu Covid-19

PGS,TS. Đỗ Hoài Linh| 23/08/2020 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Rất cấp thiết phải có những kế hoạch ngay từ bây giờ để bảo đảm đủ vốn giúp người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi cuộc sống và hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh, nếu không, nạn tín dụng đen sẽ bủa vây người dân thời hậu dịch.

Tóm tắt: Không thể yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phục vụ đoạn thị trường khách hàng dưới chuẩn vì mục tiêu kinh doanh của NHTM là lợi nhuận, cùng với đó nguồn vốn của NHTM chủ yếu đến từ tiền gửi nên an toàn vốn vay là điều kiện quan trọng. Từ đó, rất cấp thiết phải có những kế hoạch ngay từ bây giờ để bảo đảm đủ vốn giúp người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi cuộc sống và hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh, nếu không, nạn tín dụng đen sẽ bủa vây người dân thời hậu dịch. Các khuyến nghị được đề xuất để nâng cao khả năng tiếp cận vốn với những người không đủ năng lực tiếp cận với những nguồn vốn chính thức, những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng.

Post Covid 19 credit planning – an urgent need

Abstract: It is impossible to require commercial banks to serve the sub-standard customers as commercial banks 'business goals are profit, and commercial banks' capital is mainly from deposits therefore performing loan is an important criterion. Since then, it is imperative to have plans now to ensure adequate capital to help people and businesses to recover their lives and business activities soon after the epidemic, otherwise, black credit will have chance to surge up post-epidemic. Recommendations are proposed to improve credit accessibility for those who are not qualified to access official capital sources, and sub- standard customers of banks.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các tổ chức tài chính quốc tế đều dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu trong năm 2020.  Tại Việt Nam, cả hệ thống chính trị - kinh tế - xã hội dành ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh là việc đúng đắn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho tất cả hoạt động thường nhật của người dân và doanh nghiệp đảo lộn. Để hạn chế những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19, trong đó có gói tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt và đồng hành nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng là tổng số tiền mà các ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn (từ 0,5-1,5%/năm) so với tín dụng thông thường với mục đích để hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Tới ngày 17/4/2020 gói tín dụng này được nâng quy mô lên 600.000 tỷ đồng dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, tập đoàn và khách hàng cá nhân. Đặc biệt, các ngân hàng tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, với mức từ 1-4,5%. Bên cạnh đó, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đang khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện Thông tư 01/TT-NHNN, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 4 NHTM Nhà nước được yêu cầu “hy sinh” 40% lợi nhuận để dành cho việc giảm lãi suất cho vay.

Tại báo cáo gửi tới Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 166.000 khách hàng với dư nợ trên 62.000 tỷ đồng; đã thực hiện miễn giảm lãi cho 14.319 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng, số lãi được  giảm khoảng trên 3.500 tỷ đồng. Không chỉ đưa ra các giải pháp liên quan đến lãi suất, tỷ giá và tín dụng, ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh việc miễn, giảm phí nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho khách hàng trong 2 lần giảm khoảng 560 tỷ đồng…

Một điểm cần lưu ý là nguồn vốn của các gói hỗ trợ này không phải từ ngân sách nhà nước, mà là từ nguồn vốn của NHTM, nên vẫn phải đảm đảm nguyên tắc an toàn - khả thi - sinh lời. Do đó, không nên hiểu rằng các khoản vay từ gói hỗ trợ này là các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ nên sẽ không phải tuân theo các điều kiện vay vốn và quy trình thẩm định của NHTM, mà từng khoản vay đều có trách nhiệm hoàn trả như các khoản vay thông thường và phải tuân thủ mọi quy định về cho vay của ngân hàng.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), hiện cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp thì hơn 773.000 doanh nghiệp chưa tiếp cận được tín dụng chính thức, chiếm tới 73,4% tổng số doanh nghiệp. Trong đó, hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và 30% DN khác cho biết, rất khó tiếp cận nguồn vốn này (Chung.H, 2019). Gần 70% DNNVV còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro. Nhóm doanh nghiệp này được đánh giá nếu dịch bệnh tiếp tục trong 6 tháng nữa thì 70% sẽ phá sản. Còn theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 70% dân số Việt Nam chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng (Hữu Tuấn, 2020), ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ khiến người nghèo ngày càng nghèo đi, đa số khi có nhu cầu vay vốn thường sẽ tìm đến những kênh phi chính thức như vay mượn từ người thân hay bạn bè, vay mượn từ hụi/họ/biêu/phường, và vay từ tín dụng đen.

Trước những gì mà dịch bệnh Covid-19 đang gây ra cho xã hội, sau thời hậu dịch, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp và cá nhân chắc chắn sẽ gia tăng nhanh chóng để phục hồi cuộc sống,  cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy với những cá nhân và doanh nghiệp dưới chuẩn, những người gặp khó khăn trong đời sống và kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 nhưng không đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn từ NHTM, công ty tài chính… thì điều gì sẽ xảy ra với họ?

Một số đề xuất nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng dưới chuẩn

Với cá nhân:

Thứ nhất, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), với hệ thống mạng lưới bao phủ đủ 63 tỉnh thành, 11 nghìn điểm giao dịch xã và 192 nghìn tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động tại 100% các thôn, ấp trong trường hợp này phát huy vai trò đầu tàu phụ trách việc xác định nhu cầu và tiến hành cung cấp vốn vay cho người nghèo, các hộ kinh doanh và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, mà không thể tiếp cận được vốn vay từ NHTM. Hiện nay, tổng số tiền các địa phương ủy thác giao cho NHCSXH cho vay giúp người dân vượt khó trong năm 2020 đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tại Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do Covid-19, NHCSXH đã được giao thực hiện việc cho Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc. Vì vậy, NHCSXH cần: i) tiến hành khảo sát nhằm xác định chính xác quy mô nhu cầu vốn của những cá nhân, hộ gia đình chịu thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và hoạt động kinh doanh bởi dịch bệnh; ii) lên kế hoạch chi tiết và lập các phương án sử dụng vốn cụ thể theo từng nhóm mục đích sử dụng vốn, theo từng nhóm thời hạn vay vốn; iii) xác định rõ những đối tượng và quy mô cần “trợ giá” và “trợ cấp”.

Thứ hai, tận dụng lợi thế của hụi/họ/biêu/phường. Đây là hình thức vay vốn, tiết kiệm xuất phát từ văn hóa làng xã, thực chất không xấu, bởi đây như hình thức tiết kiệm, nhiều người cùng góp tiền để hỗ trợ một người vào một thời điểm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế thực hiện và kiểm soát đối với những người tham gia để duy trì cho được ý nghĩa đó. Do vậy, nếu tuân thủ nghiêm nghặt các quy định Nghị định 19/2019/NĐ-CP đồng thời các cơ quan chính quyền cấp xã/phường giám sát và quản lý chặt chẽ để bảo đảm hoạt động này đúng nguyên tắc và pháp luật thì đây là giải pháp hữu hiệu giúp cung vốn hiệu quả để người dân vượt qua khó khăn.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động từ quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là tổ chức tín dụng hoạt động nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Hệ thống hơn 1200 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở khắp cả nước với đặc thù huy động tại chỗ, cho vay tại chỗ, kiểm tra, giám sát, quản lý tại chỗ, sẽ là đầu mối nắm rõ được hiện trạng của từng người dân và doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động. Do đó, đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân cơ sở sẽ giúp người dân tránh tín dụng đen trong thời kỳ hậu dịch.

Với doanh nghiệp:

Thứ nhất, cơ quan Thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hai đơn vị nắm được hiện trạng kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ nên sớm chỉ đạo hai cơ quan lập báo cáo cụ thể về những doanh nghiệp dưới chuẩn gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Từ đó, có những phương án xử lý cụ thể như lên danh sách những khách hàng cần khoanh nợ/xóa nợ. Với những khách hàng cần xóa nợ, là những khách hàng không thể phục hồi, cần lập kế hoạch và phương án sử dụng nguồn vốn cụ thể để xóa nợ cho những đối tượng này.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Chính phủ, 2018) để Quỹ này bảo lãnh với những doanh nghiệp được đánh giá có thể phục hồi sau dịch nếu tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Để làm được điều này, trước mắt tất cả các tỉnh cần sớm kiện toàn bộ máy tổ chức và cơ cấu hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng của tỉnh mình, nhanh chóng hoàn thành cấp vốn điều lệ đủ tối thiểu 100 tỷ đồng để Quỹ có năng lực tài chính hoạt động. Sau khi các doanh nghiệp được bảo lãnh nhận được vốn vay từ NHTM, thì Quỹ nên phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đề xuất các phương án miễn giảm, lãi hoặc các phương án hỗ trợ lãi suất để bảo đảm chi phí vay vốn không trở thành gánh nặng với nhóm doanh nghiệp vốn đã rất mỏng về vốn và non về năng lực này.

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo số 628/BC-BKHĐT, Báo cáo đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch bệnh Corona đối với kinh tế-xã hội Việt Nam.

- Chính phủ (2018), Nghị định 34/2018/NĐ-CP, Nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Chính phủ (2019), Nghị định 19/2019/NĐ-CP, Nghị định về Hụi Họ Biêu Phường.

- Chính phủ (2020), Chỉ thị 11/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

- Chung.H (2019), Hơn 2/3 doanh nghiệp Việt chưa tiếp cận tín dụng, truy cập tại: https://bnews.vn/hon-2-3-doanh-nghiep-viet-chua-tiep-can-tin-dung/125582.html

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Báo cáo số 74/BC-NHNN, Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên kinh tế, tiền tệ và các giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng.

- Nguyễn Hữu Tuấn (2020), Tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, truy cập tại: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/tang-cuong-kha-nang-tiep-can%C2%A0von-ngan-hang-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-318062.html

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8 năm 2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết kế hoạch tín dụng thời hậu Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO