Chứng khoán

Chiến lược đầu tư tháng 11: "Gom hàng" cho năm mới?

Quỳnh Dương 05/11/2023 06:34

Chỉ số VN-Index biến động mạnh trong tháng 10, nhanh chóng giảm quá các ngưỡng hỗ trợ quan trọng khiến nhà đầu tư có tâm lý mệt mỏi, hạn chế giao dịch. Thị trường vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh và chưa tìm được điểm cân bằng trong ngắn hạn, tuy nhiên, đây là thời điểm tốt để tích luỹ cổ phiếu cho năm 2024.

Tâm lý chán nản bao trùm thị trường trong tháng 10

Bên bán áp đảo, xu hướng giảm của VN-Index tiếp diễn trong tháng 10 khi tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực trước những thách thức từ cả trong và ngoài nước khiến VN-Index lao dốc 10,9% so với đầu tháng.

scdkj.jpg
Diễn biến chỉ số VN-Index

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên sát mức 5% (cao nhất 16 năm) làm nới rộng chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, từ đó gây áp lực lên tỷ giá hối đoái; Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vốn hóa lớn kém hơn kỳ vọng của thị trường... là những nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến tiêu cực trên, theo đánh giá của CTCK VNDIRECT.

ndksc.jpg

Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM- Index lần lượt giảm mạnh 12,8% và 8,8% so với đầu tháng. Sau đợt bán tháo tháng 10, chỉ số HNX-Index quay trở lại vùng giá từ đầu năm trong khi hiệu suất kể từ đầu năm của UPCoM-Index giảm còn 13,0%.

Tất cả các nhóm ngành đồng loạt giảm trong tháng 10. Nhóm ngành bán lẻ và dịch vụ tài chính bị bán mạnh nhất trong tháng.

jkcas.jpg

Bên cạnh đó, kỳ vọng kinh tế thế giới phục hồi trong quý III bị lung lay dữ dội do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định giữ lãi suất điều hành ở mức cao trong thời gian dài, thị trường bất động sản vẫn Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, sau khi GDP Việt Nam 9 tháng đầu năm được công bố (đạt 4,2%), nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự hồi phục kinh tế như bán lẻ, xây dựng và thép gặp áp lực bán mạnh. Cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính cũng bị bán tháo mạnh sau diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán gần đây.

Mặt khác, theo VNDIRECT, đà tăng của thanh khoản kể từ khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành kết thúc, thị trường ghi nhận giảm điểm mạnh với thanh khoản thấp.

ksc.jpg

Giá trị giao dịch bình quân ba sàn giảm 36,1% so với tháng trước xuống 17.161 tỷ đồng/phiên giao dịch.

"Chỉ số VN-Index biến động mạnh trong tháng 10, nhanh chóng giảm quá các ngưỡng hỗ trợ quan trọng khiến nhà đầu tư có tâm lý mệt mỏi, hạn chế giao dịch", chuyên gia VNDIRECT cho biết.

Rủi ro trên thế giới gia tăng cùng với tỷ giá USD/VND neo ở mức cao khiến dòng vốn FII (vốn đầu tư gián tiếp) có xu hướng chảy khỏi Việt Nam.

Tuy nhiên việc chỉ số VN-Index giảm mạnh xuống vùng giá thấp đã khiến khối ngoại quay trở lại “bắt đáy” ở những phiên cuối tháng. Đáng chú ý, ngày 20/10 khối ngoại có phiên mua ròng mạnh với giá trị 807 tỷ đồng, giúp chỉ số VN-Index tăng ngược 33 điểm từ vùng 1.070 - 1.075.

Tính chung cả tháng 10, bán ròng vẫn là xu hướng chung của nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi bán ròng 2.576 tỷ đồng trong tháng, giá trị bán ròng lũy kế kể từ đầu năm 2023 của khối ngoại đạt 9.623 tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại tăng lên 8,0% so với mức 7,2% hồi tháng 9.

kjscns.jpg

Chuyên gia cho rằng cần quan sát hành động của khối ngoại ở vùng giá hiện tại khi mà hầu hết nhà đầu tư trong nước đều đang chán nản.

Đi tìm vùng cân bằng trong tháng 11

Sau tháng 10 đỏ lửa, bước sang tháng 11, đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn được chuyên gia VNDIRECT đánh giá là rủi ro lớn đối với thị trường và khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tạo đỉnh thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội phục hồi tốt.

Bên cạnh đó, rủi ro từ việc kinh tế Mỹ suy thoái được nhắc tới khi đường cong lợi suất của Mỹ đảo ngược, tuy nhiên các số liệu vĩ mô hiện tại chưa thể hiện được rõ điều đó nên chuyên gia cho rằng yếu tố này chưa đáng ngại và cần tiếp tục theo dõi.

“VN-Index vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh, do đó các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bắt đáy và chờ đợi các tín hiệu vĩ mô cũng như thị trường tích cực hơn. Chúng tôi kỳ vọng vùng 1.000 điểm (+/- 20 điểm) sẽ là vùng hỗ trợ của thị trường”, chuyên gia VNDIRECT lưu ý.

Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiến hành giao dịch năng động trở lại khi thị trường thỏa mãn được các yếu tố sau: Thị trường có dòng cổ phiếu dẫn dắt và thu hút được dòng tiền (tạo đáy trước VN-Index); Các phiên tạo đáy có thanh khoản giao dịch lớn hơn tối thiểu 1,2 lần trung bình 20 phiên và biên độ tăng tốt, các phiên giao dịch tiếp theo sẽ có thanh khoản tiếp tục được cải thiện.

Với các nhà đầu tư thận trọng có thể tiến hành giao dịch khi VN-Index thoát khỏi các kênh giá giảm, vận động ở trên các đường MA.

Thời điểm tích luỹ cổ phiếu cho năm 2024

Với nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua, chỉ số P/B của VN-Index đã gần về vùng đáy trung hạn của thị trường vào trung tuần tháng 11 năm ngoái.

Theo tính toán của VNDIRECT, P/B của Việt Nam-Index hiện giao dịch ở vùng 1,59 đây là vùng định giá gần tiệm cận với đáy trung hạn của thị trường tại ngày 15/11/2022 là 1,47. Trong giai đoạn COVID-19, P/B của thị trường tạo đáy ở 1,57.

"Mặc dù rủi ro ngắn hạn của thị trường còn hiện hữu nhưng với mức chiết khấu định giá gần tương đương mức đáy trung hạn thời điểm tháng 11/2022 và đáy COVID-19, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư trung và dài hạn bắt đầu tích lũy cổ phiếu cho năm 2024", VNDIRECT lưu ý trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 11.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lưu ý: Không sử dụng đòn bẩy ký quỹ để giải ngân cổ phiếu trong trung và dài hạn; Không đầu tư tập trung một cổ phiếu hoặc một nhóm ngành duy nhất; Tránh đầu tư một khoản tiền lớn vào một thời điểm, các nhà đầu tư có thể chia khoản đầu tư dài hạn thành nhiều phần và giải ngân từ từ hoặc áp dụng phương pháp giải ngân theo kiểu tích sản.

Những cổ phiếu có tiềm năng bao gồm: Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện xuất khẩu phục hồi; Nhóm cổ phiếu đầu tư công; Một số cổ phiếu nhóm bất động sản có tình hình tài chính lành mạnh sẽ bứt phá trong giai đoạn tới khi nhóm dự luật (sửa đổi) liên quan tới ngành bất động sản chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược đầu tư tháng 11: "Gom hàng" cho năm mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO