Chính phủ khóa XIV thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra

T.Dũng| 01/04/2021 14:19
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 31/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ cuối cùng trước khi Quốc hội tiến hành kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Chính phủ. Tham dự buổi Họp báo còn có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Tại buổi Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 diễn ra cùng ngày, Chính phủ đã tập trung thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; cùng một số nội dung quan trọng khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Nhật Bắc

Chính phủ khóa XIV đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Có được thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, và nhất là sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của tập thể Chính phủ. Đến thời điểm này, có thể nói Chính phủ khóa XIV đã thực hiện tốt tinh thần làm việc đến ngày cuối cùng, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc bàn giao, kiện toàn bộ máy. Với tinh thần bàn giao tốt nhất, đầy đủ nhất, hiệu quả nhất giữa 2 nhiệm kỳ, để Chính phủ khóa mới có được điều kiện tốt nhất triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm tính liên tục, tại phiên họp hôm nay, Chính phủ tiếp tục tập trung bàn bạc, thảo luận về những vấn đề cấp bách, nổi cộm, để khuyến nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới chỉ đạo giải quyết trong thời gian sắp tới.

Về tình hình kinh tế - xã hội, trong quý I/2021, với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ số tốt hơn, tăng trưởng GDP tốt hơn nhiều so với cùng kỳ, nhất là nông nghiệp ổn định trong khi quý I/2020 tăng trưởng âm do hạn mặn tại ĐBSCL.

Chúng ta tiếp tục tập trung cao độ phòng, chống dịch COVID-19; đến nay dịch đã được kiểm soát tại Quảng Ninh, Hải Dương; đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trạng thái “bình thường mới” đã được lập lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường, khách du lịch tăng trưởng tốt. Các ca nhiễm mới đều là trường hợp nhập cảnh và được kiểm soát, cách ly, điều trị theo quy định; không để dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.

Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7%; tổ chức tài chính Fitch Solutions dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 6,5% trong giai đoạn 2021-2030. Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3/2021, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% với tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ ở mức 4%. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức “Ba3” và nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực.

Trang MoneyWeek của Anh đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất châu Á thời gian tới. Quỹ Di sản cho rằng, Việt Nam sẽ lần đầu bước vào nhóm các nền kinh tế “tự do trung bình”, đứng thứ 90/178 nền kinh tế (tăng 15 bậc so với năm 2020) và 17/40 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.    

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 cao hơn quý I/2020, ước tăng 4,48% (cùng kỳ tăng 3,68%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16% (cùng kỳ tăng 0,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 5,1%); khu vực dịch vụ tăng 3,34% (cùng kỳ tăng 3,3%). Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ.

Quang cảnh cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021. Ảnh: Nhật Bắc

Vốn đầu tư phát triển tăng khá, đạt 6,3%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng (vốn đầu tư công tăng 13%, đạt 15% kế hoạch; vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng 5,7%; vốn FDI thực hiện tăng 6,5%). Tổng vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 18,5%. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tăng 6 lần. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 27,5% vốn đăng ký. Thu, chi NSNN đạt kết quả tích cực (thu ngân sách bằng 23,8% dự toán).

Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tận dụng hiệu quả các Hiệp định FTA đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1% (cùng kỳ tăng 5,9%), trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,4 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 7,8%); nhập khẩu hàng hóa đạt 75,3 tỷ USD, tăng 26,3% (cùng kỳ tăng 3,9%). Xuất siêu trên 2 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp; CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020 tăng 0,29%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Năng suất lúa và sản lượng cây lâu năm đạt khá (năng suất lúa đạt 70,2 tạ/ha, tăng 1,9 tạ/ha; sản lượng đạt 10,7 triệu tấn, tăng hơn 85 nghìn tấn); đàn lợn tiếp tục hồi phục (tổng đàn tăng 11,6%; sản lượng thịt lợn hơi tăng 7,5%).

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng khá, ước đạt 6,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% (cùng kỳ tăng 7,12%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao như: thép cán tăng 54%; linh kiện điện thoại tăng 47,9%; ti vi các loại tăng 30,9%; ô tô tăng 17,7%...

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021, tăng 5,1% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,42% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,01%).

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường trong phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện quyết liệt "5K +Vaccine", kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại trong cộng đồng. Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine, cũng như có kế hoạch nhập khẩu vaccine để phục vụ tiêm phòng trên diện rộng, đồng thời, sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế "Hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy thương mại, đầu tư.

Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Điều hành chính sách tiền tệ một cách, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Giữ ổn định thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường. Kiểm soát chặt chẽ lạm phát. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ khóa XIV thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO