Vừa qua, tổ công tác liên ngành giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh với sở công thương, sở kế hoạch đầu tư, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở xây dựng; ban quản lý KCX-KCN và hiệp hội doanh nghiệp thành phố đã thực hiện khảo sát thực tế hoạt động của một số doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm tìm hiểu kết quả việc thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân. Kết quả khảo sát cho thấy chính sách tiền tệ đã và đang phát huy hiệu quả, doanh nghiệp, người dân đã tiếp cận thuận lợi nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp.
Theo đó, lãi suất cho vay đã giảm. Trong đó, các khoản tín dụng ngắn hạn, lãi suất vay của doanh nghiệp đang ở mức phổ biến 7,5-8,5%/năm. Nếu đặt trong mối liên hệ, so sánh thì đây là mức lãi suất tốt đã được duy trì nhiều năm trước thời điểm đại dịch. Chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất hiện nay đã và đang thực hiện tốt các mục tiêu. Trong đó từ phía doanh nghiệp, chính sách đang phát huy 2 tác dụng: vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kích thích doanh nghiệp vay vốn để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh khi có đơn hàng.
Mặc dù quy mô khảo sát không lớn, song việc lựa chọn doanh nghiệp có độ phủ rộng, thuộc tất cả các lĩnh vực: sản xuất, chế biến, thương mại, bất động sản, lương thực thực phẩm, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn…. Doanh nghiệp được lựa chọn hoàn toàn khách quan, do hiệp hội doanh nghiệp; các sở ngành, ban quản lý KCX-KCN giới thiệu, để khảo sát và làm việc. Tất cả doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá việc tiếp cận vốn thuận lợi, dễ dàng thậm chí có doanh nghiệp là khách hàng truyền thống của ngân hàng cho biết thời gian giải quyết thủ tục và giải ngân chỉ trong vòng 3 ngày. Đây là những điểm tích cực cần phát huy.
Chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả đã tiếp tục tạo lập, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Qua tiếp xúc, phần lớn doanh nghiệp đều đánh giá cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương. Trong đó chính sách lãi suất, tỷ giá có tác động hiệu ứng tích cực và trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhờ việc doanh nghiệp được giảm lãi suất vay, giảm chi phí tài chính, từ đó giảm giá thành để duy trì, ổn định và phục hồi, vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng bền vững, để tín dụng trở lại tốc độ tăng trưởng tốt, ngoài chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách các yếu tố và giải pháp hỗ trợ khác cần phải được tăng cường thực hiện một cách đồng bộ bởi tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các yếu tố nguồn lực cho sự phát triển. Các giải pháp kích thích tổng cầu và tác động vào 3 trụ cột là động lực tăng trưởng kinh tế vẫn là giải pháp lõi, cần thiết và hữu hiệu nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt các giải pháp để phục hồi thị trường bất động sản sẽ có tác động hiệu ứng lan tỏa nhanh bởi vai trò quan trọng của thị trường này đối với các ngành lĩnh vực liên quan của nền kinh tế. Thực hiện tốt các giải pháp này để hỗ trợ doanh nghiệp cùng với chính sách tiền tệ đang phát huy hiệu quả và những hành động cụ thể thiết thực của ngành Ngân hàng như: kết nối ngân hàng doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; cải cách hành chính và phối hợp đồng thuận giải ngân các gói tín dụng ưu đãi; thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là cơ sở nền tảng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi và tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023 và trong năm 2024.