Tháng 10, dòng tiền vào các tài sản tài chính thận trọng và ghi nhận là tháng có thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 8/2022. Trong đó, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu đảo chiều rút ròng.
Theo thống kê từ EPFR được SSI Research cập nhật, tháng 10 vừa qua, quỹ cổ phiếu toàn cầu đảo chiều rút ròng gần 17 tỷ USD trong tháng 10 với lực rút đến từ cả thị trường phát triển (DM) và đang phát triển (EM). Tính chung 10 tháng, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu vào ròng 79 tỷ USD.
Cụ thể, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu DM rút ròng 9,8 tỷ USD trong tháng. Sức hút từ thị trường Mỹ (+2,7 tỷ USD trong tháng 10) duy trì nhưng chưa đủ để cân bằng lực rút ròng ra khỏi thị trường châu Âu. Tuy định giá thị trường Mỹ đang ở mức cao, rủi ro về địa chính trị và mức chênh lãi suất thực giúp dòng tiền vẫn tìm đến thị trường Mỹ nhằm tìm kiếm sự an toàn.
Dòng vốn vào cổ phiếu EM đảo chiều rút ròng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2022. Thị trường Trung Quốc ghi nhận rút ròng 1,9 tỷ USD, tháng rút ròng đầu tiên kể từ tháng 2/2023 khi lo ngại rủi ro về tăng trưởng kinh tế và các biện pháp kích thích từ Chính phủ không đem lại hiệu quả. Dòng tiền vào Ấn Độ (+1 tỷ USD) chậm lại sau khi bật tăng mạnh kể từ cuối quý I/2023.
Ngược lại, quỹ trái phiếu vào ròng tháng thứ 9 liên tiếp, với giá trị là 7,8 tỷ USD – tương đương tháng 9. Sức hút duy trì từ quỹ trái phiếu thị trường phát triển và tính chung 10 tháng, các quỹ trái phiếu thu hút 244 tỷ USD trong đó thị trường phát triển lên đến 277 tỷ USD.
Trong khi đó, quỹ tiền tệ giảm nhiệt khi chỉ vào ròng 6,1 tỷ USD, thấp hơn 10 lần so với tháng trước, tuy nhiên có thể đến từ yếu tố mùa vụ (hạn cuối cho kỳ nộp thuế của doanh nghiệp ở Mỹ). Tổng mức giải ngân trong 10 tháng đầu năm duy trì ở mức cao quanh 1.000 tỷ USD.
Dòng tiền vào tài sản tài chính trong tháng 10 đã bị tác động mạnh bởi xung đột ở Trung Đông và việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2007.
Song, chuyên gia của SSI Research chỉ ra điểm tích cực là không quan sát thấy xu hướng bán tháo cổ phiếu trong giai đoạn này, khi tâm lý thị trường đã ở trạng thái thận trọng xuyên suốt nhiều tháng qua.
Mặt khác, chính sách tiền tệ của Mỹ gần như đã tới giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt nhưng câu hỏi về lãi suất có duy trì ở mức cao trong thời gian dài hay không hay mức định giá thị trường cổ phiếu không còn hấp dẫn là yếu tố khiến dòng tiền khó giải ngân mạnh vào các tài sản tài chính rủi ro như cổ phiếu.
Nhìn chung, dòng tiền vào các quốc gia mới nổi châu Á đang bị ảnh hưởng bởi môi trường USD cao và chênh lệch lãi suất thực giữa Mỹ và các quốc gia này.
"Chúng tôi cho rằng dòng tiền vào thị trường cổ phiếu trong giai đoạn cuối của năm 2023 khó ghi nhận nhân tố khác biệt trong bối cảnh vĩ mô chưa rõ ràng", chuyên gia SSI Research cho biết.
Tuy nhiên, xu hướng dòng tiền trong thời gian tới có thể sẽ tích cực hơn với các yếu tố hỗ trợ như sau: các thông điệp và kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024; các chỉ số của thị trường cổ phiếu đều đang nằm trong vùng điều chỉnh trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang gần như duy trì ở mức đỉnh và đang có xu hướng hạ nhiệt; yếu tố mùa vụ và kỳ vọng về mùa kết quả kinh doanh quý IV/2023 tích cực hơn.