(thitruongtaichinhtiente.vn) - Miền Trung - dải đất hẹp bao đời nay được ví là chiếc đòn gánh chênh vênh nâng hai đầu đất nước, là “khúc ruột” không thể tách rời, trường tồn như một biểu tượng vĩnh hằng của nghĩa tình gắn bó, yêu thương trong lòng đồng bào đất Việt. Để mỗi khi tiếng gọi thân thương ấy rung lên, trong ta chợt trào dâng muôn cảm xúc chứa chan, đắm đuối ân tình...
Tôi tự thấy mình may mắn và luôn tự hào là đứa con của quê mẹ miền Trung, của dải đất gầy dựa lưng vào dãy Trường Sơn sừng sững, sau lưng là núi, trước mặt là biển, miên man một triền cát trắng thuỳ dương. Điệu ví, câu hò sảy sàng qua năm tháng bể dâu mà dựng thành tên làng, tên đất, làm nên khí phách, tính cách con người. “Bao giờ em về thăm/ Mảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tương như cỏ/ Không ai gieo cũng mọc trắng mặt người” (Miền Trung - Hoàng Trần Cương). Kể về miền Trung, làm sao thiếu bão mưa, đạn bom, nắng lửa, thiếu cái nghèo đeo đẳng lai dắt muôn kiếp người. Có lẽ bởi thế mà từ trong sâu thẳm của tiếng gọi đồng bào thân thương, cả nước dành cho miền Trung một tình cảm đặc biệt.
Bão nối bão, lũ chồng lũ, mất mát và đau thương trùm khắp. Đó là gương mặt, hình hài miền Trung của một năm đầy tai ương, địch họa. Thương đến thắt lòng những hi sinh cao cả của hàng chục chiến sĩ quân đội trong cuộc chiến với thiên nhiên giữa thời bình; đau thay cho nỗi đau của dân mình khi bão lũ tràn qua, cướp đi bao sinh mạng; cảm động và hàm ơn bao tấm lòng thiện nguyện rong ruổi giữa bão mưa không ngại hiểm nguy để ứng cứu, san sẻ với miền Trung. Và bây giờ, còn đấy biết bao cảnh đời hẩm hiu gượng dậy sau bão giông khi không còn người thân, nhà cửa, tài sản, ruộng vườn... Ngày mai của miền Trung ruột thịt rồi cũng sẽ đến, con người xứ sở sẽ vẫn tiếp tục hành trình sống của mình trên chính những mất mát, đau thương.
Ấm lòng biết bao, khi trong gian khó, miền Trung không cô đơn, chưa bao giờ bị bỏ lại. Truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc đã, đang và sẽ còn lan toả rộng khắp. Sự đùm bọc, che chở, thương yêu tiêu biểu cho đạo lý ngàn đời “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của người Việt sẽ gieo những hạt mầm tin yêu, hi vọng mới cho mảnh đất này. Ngọn lửa nhân ái là hơi ấm cần thiết nhất, là tia sáng chiếu rọi để một miền Trung hồi sinh và tiếp tục trường tồn trong gian khó.
Mùa xuân đã về, mang đến một luồng sinh khí mới, thắp lên niềm tin, ý chí về một viễn cảnh tương lai tươi sáng. Ở đấy, vẫn sẽ là những con người của miền Trung cần lao, vững chí bền gan, chịu thương chịu khó, không bao giờ lùi bước trước thử thách, gian nan. Để trên lớp phù sa mới ấy, họ lại nương tựa vào nhau, san sẻ cùng nhau bằng cái nghĩa tình “gừng cay muối mặn”, tiếp tục tưới tắm, sinh nở nên những mùa màng mới bằng niềm tin sắt son chẳng bao giờ vơi cạn.
Mùa xuân của tình người, của những nghĩa tình đầy ấm áp, yêu thương bằng thiện nguyện đáng quý sẽ song hành với miền Trung ruột thịt. Những căn nhà, con đường sẽ được sửa sang, xây mới; những ngôi trường sẽ được dựng lại; những cuốn sách, tập vở mới - trang đời mới sẽ đến với học trò và còn nhiều lắm những món quà xuân chan chứa nghĩa đồng bào lại cập bến miền Trung... Tấm lòng thơm thảo ấy của xuân này dẫu chẳng thể khoả lấp vẹn nguyên xiết bao đau thương, mất mát, nhưng đủ để thắp lại nụ cười, nuôi lớn niềm tin, sự lạc quan như chính cái cách mà người dân xứ sở vịn vào câu ca xưa để động viên nhau vượt qua tai ương, địch hoạ: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Miền Trung ơi, quê mẹ ơi! Nhiều quá những đồng cảm, nhung nhớ, yêu thương, làm sao kể xiết, làm sao gửi hết cho người. Để bây giờ đây, mảnh đất, con người xứ sở cần lao này không còn là máu thịt của riêng ai nữa, tiếng gọi giản đơn mà trìu mến “Miền Trung” hơn bao giờ hết, trở nên thiết tha và thương quý đến vô cùng. Hạt mầm tin yêu đã gieo, chồi non sẽ bật dậy tươi xanh, kiêu hãnh giữa mùa xuân - tình người rộn vui, ấm áp.