Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững

Thanh Hải| 04/12/2021 16:28
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Được sự đồng ý của Đảng Đoàn Quốc hội, trên cơ sở ý kiến Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'' sẽ chính thưc diễn ra vào ngày mai, ngày 5/12/2021, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có bài phát khai mạc, tham dự tọa đàm cấp cao và có bài phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn.

Tại cuộc họp báo về chương trình “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đã nhấn mạnh, để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.

Cũng tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, với tinh thần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để bàn về các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu này.

Trong đó, một yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại các cuộc làm việc là phải đánh giá tác động chính sách hết sức kỹ lưỡng, đánh giá đúng, trúng tác động của đại dịch đối với kinh tế - xã hội ở trong nước, xác định được mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của nền kinh tế, xác định lĩnh vực cần tập trung hỗ trợ để phục hồi và phát triển, xác định lĩnh vực có tiềm năng như kinh tế số, công nghệ thông tin…để có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tác động lan tỏa đối với nền kinh tế. Đặc biệt, các giải pháp ngắn hạn cũng phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, không đưa ra các chính sách có thể giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, trước mắt nhưng lại gây bất ổn vĩ mô trong dài hạn. Trên cơ sở đánh giá tác động và phân tích dư địa của chính sách tài chính, tiền tệ mới có thể xác định rõ các nguyên tắc, quy mô, liều lượng, trọng tâm của chính sách tập trung vào các lĩnh vực nào, phân bổ vào đâu và đề xuất cụ thể về phương thức huy động nguồn lực, các giải pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.

Diễn đàn được chia thành 2 Phiên: Phiên toàn thể buổi sáng, Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề, chuyên đề 1 về “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và chuyên đề 2 về “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường. Hướng đến đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch COVID-19 và kết quả. Làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch COVID-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của COVID-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;

Đồng thời, đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…); huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo. Đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng cho biết mục đích của Diễn đàn là phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp của các đại biểu Quốc hội các khóa, của người dân và cử tri, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời tập hợp hình thành và khai thác mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, mạng lưới sáng kiến Quốc hội Việt Nam trong và ngoài nước, để góp phần nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội.

Trước thềm Diễn dàn, các chuyên gia kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sẽ là diễn đàn cởi mở, đa chiều, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng cho các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tham mưu để Quốc hội đưa ra những quyết sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO