(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, sự hợp tác giữa các ngân hàng và Fintech chắc chắn mang lợi ích cho cả 2 bên và cho xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ngân hàng hợp tác với công ty Fintech là xu hướng tất yếu.
Ngày 8/12, Ngân hàng Vietcombank tổ chức Hội thảo khoa học “Mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh giữa các công ty Fintech và các ngân hàng thương mại tại Việt Nam” do ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank làm chủ nhiệm đề tài. Hội thảo nhằm có thêm cơ sở lý luận thực tiễn, đề xuất thực thi, giải pháp thúc đẩy sự hợp tác các công ty Fintech và hệ thống ngân hàng Việt Nam, đồng thời tạo ra diễn đàn học thuật, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm dành cho những nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách.
Tham dự hội thảo có ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Kiều Hữu Thiện – Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank cùng các nhà khoa học, đại diện nhiều công ty Fintech, các ngân hàng thương mại.
Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh chụp màn hình |
Xu hướng Fintech hợp tác với ngân hàng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp dịch vụ tài chính và công nghệ, tạo ra các dịch vụ, sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với lợi thế tốc độ, năng lực sáng tạo, khả năng ứng dụng các công nghệ tân tiến như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT)…. Lĩnh vực Fintech đã và đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam.
Theo số liệu của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam tăng khoảng gần 4 lần, từ 40 công ty (năm 2016) lên tới 150 công ty (năm 2020), hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thanh toán, chuyển tiền, cho vay, tài chính cá nhân…. Trong số đó, có những Fintech hoạt động độc lập, trở thành đối thủ cạnh tranh của ngân hàng nhưng một số khác phát triển theo hướng hợp tác với các ngân hàng truyền thống nhằm tận dụng quy mô, nguồn vốn.
“Sự hợp tác giữa các ngân hàng và Fintech chắc chắn mang lợi ích cho cả 2 bên và cho xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ngân hàng hợp tác với công ty Fintech là xu hướng tất yếu”, ông Dũng chia sẻ và cho rằng các ngân hàng Việt Nam đang chủ động tìm các công ty Fintech làm đối tác phù hợp. Các cơ quan quản lý và các ngân hàng cần xây dựng cơ chế khuyến khích, khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác này.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả đã trình bày tham luận với nội dung hết sức phong phú, gắn liền với thực tiễn cũng như chia sẻ các kinh nghiệm của nước ngoài trong việc thúc đẩy phát triển fintech và mối quan hệ hợp tác giữa fintech với ngân hàng.
Ông Vương Minh Giang, Trưởng nhóm Định lượng, Vietcombank cho biết, dự kiến doanh thu của ngân hàng truyền thống sẽ được tạo ra bởi các mô hình kinh doanh mới như thanh toán thông qua ví điện tử, cho vay ngang hàng, mô hình chấm điểm mới, ứng dụng robot…. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các khu vực, lĩnh vực khác nhau có mức đột sụt giảm doanh thu truyền thống khác nhau.
Fintech đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong hoạt động ngân hàng như ngân hàng không chi nhánh, ngân hàng mở, các phương thức thanh toán sử dụng thông tin định danh, dữ liệu lớn, điện toán đám mây…
Fintech thúc đẩy mô hình và sáng kiến kinh doanh mới, cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội, thậm chí là “hơn cả một ngân hàng”, tạo ra đề xuất giá trị lớn hơn cho khách hàng doanh nghiệp bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp công cụ quản lý kinh doanh để cung cấp các giải pháp kinh doanh tích hợp, hỗ trợ sự phát triển của khách hàng doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Vietcombank, đa phần ý kiến cho rẳng ngân hàng truyền thống và kỹ thuật số sẽ hội tụ, ranh giới được xóa bỏ. Các công ty Fintech một mặt hợp tác cung cấp dịch vụ tài chính và giải pháp công nghệ, hỗ trợ các ngân hàng mở rộng thị phần cung ứng và phát triển dịch vụ số hóa. Mặt khác cũng trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, hợp tác giữa ngân hàng và fintech đang là xu hướng chính. Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, ông Giang cho biết có tới 72% công ty Fintech lựa chọn liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam để cung cấp sản phẩm dịch vụ, 14% phát triển dịch vụ mới và 14% sẵn sàng cạnh tranh với ngân hàng.
Nhằm thúc đẩy sự hợp tác trên, ông Giang cũng đề xuất 5 giải pháp trọng tâm, trong đó có việc xây dựng quy định, cơ chế và hướng dẫn tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và hợp tác với các công ty Fintech trong hoạt động ngân hàng.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) – chủ quản ví điện tử MoMo cho biết, Fintech sẽ không cạnh tranh với ngân hàng và điều này không xảy ra trong ít nhất là 10 năm nữa. Việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng sẽ đem lại lợi ích cho các bên và cho cả xã hội. Các ngân hàng sẽ đóng vai trò nền tảng phối hợp với Fintech trở thành ngân hàng thế hệ mới, phát triển mạnh mẽ - bài học thành công từ Kakao bank.
Ông Diệp cho rằng hiện nay các ngân hàng đang chuyển đổi từ truyền thống sang ngân hàng số thực chất mới chỉ là số hóa dịch vụ ngân hàng. Trên thế giới chưa có ngân hàng truyền thống nào chuyển đổi thành ngân hàng số. Để chuyển đổi, nhiều ngân hàng phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ nhân sự vận hành. Trong khi đó, người tiêu dùng luôn muốn sử dụng đa dịch vụ trong hệ sinh thái chứ không đơn thuần sử dụng một dịch vụ. Chính vì thế, các ngân hàng truyền thống cần thay đổi quan điểm, hợp tác với Fintech để triển khai ngân hàng số.
Fintech đang tham gia mạnh mẽ trong việc phát triển hệ sinh thái ngân hàng số |
Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Fintech
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đại diện Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, Singapore là một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới về Fintech. Năm 2020, “quốc đảo” này xếp hạng số 1 tại châu Á và thứ 4 thế giới về chỉ số Fintech. Để thúc đẩy phát triển Fintech, Singapore triển khai giải pháp hỗ trợ Fintech và hệ sinh thái Fintech, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó thúc đẩy tài chính số, chính phủ số. Singapore cũng thành lập các quỹ đầu tư của chính phủ, của tư nhân, thu hút đầu tư vào Fintech cùng với việc ban hành chính sách sandbox, chính sách thu hút người tài, giảm thuế, hỗ trợ nguồn nhân lực IT, xây dựng phòng thử nghiệm đổi mới sáng tạo (start-up), vườn ươm… để Fintech phát triển. Ngoài ra, Singapore cũng thành lập Hiệp hội Fintech, tổ chức các Festival Fintech… nhằm hỗ trợ hệ sinh thái Fintech. Theo quan điểm của Singapore, sự xuất hiện của Fintech thúc đẩy dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Ngân hàng VietFintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, các Fintech ở Việt Nam hiện nay đang chủ yếu hoạt động ở 2 mảng lớn là Payment (thanh toán) và P2P Lending (cho vay ngang hàng).
Thống kê cho thấy, hiện nay thị trường thẻ ở Việt Nam có 110 triệu thẻ. Doanh số rút tiền từ thẻ đạt gần 60 tỷ USD và doanh số thanh toán qua thẻ đạt gần 53 tỷ USD. Đây là đối thủ cạnh tranh của ví điện tử. Bên cạnh đó, các ứng dụng mobile banking của ngân hàng cũng là đối thủ lớn của ví khi tích hợp nhiều tính năng như chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn dịch vụ, quyét QR code... Trong khi đó, phí dịch vụ của ví điện tử cao hơn thẻ, điểm chấp nhận thanh toán sử dụng ví còn ít (phải phát triển từ đầu) dẫn tới nhiều ví điện tử vận hành lỗ, phải gọi vốn để bù đắp.
Đối với mảng P2P Lending, đối thủ của Fintech là các thẻ tín dụng, các công ty tài chính chính thức. Các Fintech cũng phải “vật lộn” để chứng minh mô hình do thiếu khung pháp lý, thiếu dữ liệu khách hàng, quy trình xét duyệt khó khăn (xét duyệt lỏng thì nợ xấu tăng, chặt thì không thể cạnh tranh với ngân hàng), ít điểm chấp nhận… Chính vì thế, các Fintech tìm đến thị trường ngách (như ngành games, giáo dục, gym, spa...) để làm trung gian thanh toán cho các đơn vị này, không cạnh tranh trực tiếp với các hình thức thanh toán của ngân hàng. Đồng thời các Fintech đang dần bắt tay hợp tác với các ngân hàng. Theo ông Bình, 5 năm gần đây, các ngân hàng cởi mở hơn với Fintech và thực tế các ngân hàng hiện nay đang năng động hơn, phát triển đa dạng hơn các ứng dụng mobile banking.
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), có 4 mô hình hợp tác phát triển chủ yếu giữa Fintech và ngân hàng, bao gồm phát triển người dùng; phát triển thương hiệu mới (ngân hàng số mới), ngân hàng đầu tư trực tiếp vào fintech; cung cấp giải pháp back-end cho ngân hàng. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các giải pháp mới là cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển Fintech, đổi mới sáng tạo nhưng cũng đồng thời bảo vệ an toàn cho các tổ chức tín dụng, bảo vệ người tiêu dùng.