Ngày 26/6/2023 tới đây, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) sẽ chính thức triển khai giao dịch các hợp đồng quyền chọn đối với tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cả nước.
Trong hoạt động giao dịch hàng hóa, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn là hai loại hợp đồng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Theo khoản 3 điều 64 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó”.
Luật thương mại năm 2005 và các nghị định hướng dẫn khác đã quy định các chủ thể có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng quyền chọn cũng giống như hợp đồng kỳ hạn, cụ thể bao gồm: khách hàng, thành viên kinh doanh, thành viên môi giới, trung tâm thanh toán và trung tâm giao nhận của Sở Giao dịch hàng hóa.
Đối tượng của hợp đồng quyền chọn không phải hàng hóa, mà là quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán đối với hàng hóa. Quyền này cho phép người mua có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, được mua hoặc bán: (i) một số lượng xác định các loại hàng hóa; (ii) tại hay trước một thời điểm xác định trong tương lai; (iii) với một mức giá xác định ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng.
Trong hoạt động giao dịch thực tế, có 2 loại quyền chọn phổ biến là quyền chọn kiểu Mỹ và quyền chọn kiểu châu Âu. Quyền chọn kiểu Mỹ là dạng quyền chọn cho phép người nắm giữ có thể thực hiện quyền chọn vào bất kỳ thời điểm nào trước hoặc trong ngày đáo hạn. Quyền chọn kiểu châu Âu là dạng quyền chọn mà người nắm giữ chỉ được thực hiện quyền trong ngày đáo hạn.
Theo MVX, trên thị trường giao dịch hàng hóa tập trung, hợp đồng quyền chọn là công cụ hiệu quả để bảo hiểm rủi ro cho các bên tham gia thị trường. Đối với bên mua quyền, họ có quyền thực hiện hoặc không thực hiện hợp đồng đã giao kết. Khoản phí quyền chọn thực chất là khoản tiền để bảo hiểm rủi ro cho bên mua quyền. Trong trường hợp giá hàng hóa biến động mạnh, họ sẽ chỉ chịu rủi ro khoản phí quyền chọn, mà không phải chịu toàn bộ rủi ro từ giá trị hợp đồng.
Trong khi đó, bên bán cũng được lợi từ hợp đồng quyền chọn. Khi giá hàng hóa biến động không quá mạnh và không vượt quá phí quyền chọn mà họ được nhận thì họ sẽ được lợi. Đồng thời, nếu sự biến động thị trường theo hướng bất lợi thì khoản tiền bán quyền thu được sẽ bù đắp cho họ một phần rủi ro. Như vậy, hợp đồng quyền chọn là công cụ bảo hiểm rủi ro cho cả hai bên khi thực hiện việc mua hàng hóa trong tương lai thông qua Sở Giao dịch hàng hóa.
Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc MXV, cho biết: “Trên thế giới, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại đều sử dụng các công cụ bảo hiểm giá. Trong đó, hợp đồng quyền chọn là công cụ được dùng phổ biến hơn so với các loại hợp đồng khác”.
Hợp đồng quyền chọn giúp người mua xác định cụ thể được mức rủi ro tối đa khi tham gia vào thị trường; sử dụng các chiến lược giao dịch, kết hợp nhiều giao dịch với nhau để giới hạn cả mức rủi ro và lợi nhuận trong một phạm vi nhất định.