Chứng khoán khó đoán trong ngắn hạn

Minh Hoàng| 05/10/2020 14:16
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh biến động ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn là tương đối khó đoán và nhà đầu tư cần bám sát diễn biến thị trường - đặc biệt là ngưỡng hỗ trợ 900 điểm của Vn-Index.

Trong báo cáo phân tích gửi các nhà đầu tư, Công ty Chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá Vn-Index tuần qua kết thúc không thay đổi quá nhiều so với tuần trước đó dù trải qua nhiều nhịp rung lắc tương đối mạnh trong tuần. 

Cụ thể, chỉ số mở cửa tuần tăng điểm và vươn lên vượt 910 điểm trong phiên thứ hai (28/09). Đà tăng của chỉ số chung được dẫn dắt chủ yếu bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó tiêu biểu là nhóm cổ phiếu ngân hàng (VCB, BID, CTG, STB,…). Sau nhịp điều chỉnh giảm khá mạnh vào ngày thứ ba (29/9), Vn-Index quay trở lại xu hướng tăng điểm và vượt qua mốc 910 một cách dễ dàng sau hai phiên phiên thứ tư (30/09) và thứ năm (01/10). Tuy nhiên trong phiên thứ sáu cuối tuần (2/10), trước thông tin tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức xác nhận rằng ông và vợ đã dương tính với COVID-19 thì áp lực bán bất ngờ gia tăng nhanh chóng và mạnh mẽ, theo đó đẩy chỉ số chung giảm sâu và thậm chí đã có thời điểm chỉ số xuyên thủng ngưỡng 900 điểm. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy được kích hoạt tại ngưỡng hỗ trợ này đã giúp chỉ số thu hẹp đà giảm khi kết thúc phiên. 

Thanh khoản trong tuần qua cũng chỉ tăng nhẹ so với tuần trước đó cả về giá trị lẫn khối lượng giao dịch. Đóng cửa tuần, Vn-Index tăng 1.64 điểm đạt mức 909.91 điểm (+0.18%), còn HNX -Index tăng 2.28% đạt mức 134.52 điểm. Thị trường đã bắt đầu cho thấy sự hồi phục tích cực sau 2 lần kiểm định thành công ngưỡng 900 điểm trong tuần. 

Ảnh minh họa

VCBS nhận định dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong nước nhiều khả năng sẽ vẫn là sự lo sợ rủi ro từ những biến động mạnh có thể sẽ xảy ra trên thị trường chứng khoán quốc tế trong tuần này - đặc biệt là từ Mỹ. Trong bối cảnh biến động ngắn hạn của thị trường vẫn là tương đối khó đoán và khuyến nghị nhà đầu tư cần bám sát diễn biến thị trường - đặc biệt là quá trình kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 900 điểm của Vn-Index - để kịp thời chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu chỉ số phá vỡ ngưỡng hỗ trợ này với thanh khoản tăng mạnh trong tuần kế tiếp.

VCBS cho biết, ngày 30/09, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất lần thứ 3 trong năm nay. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với ngân hàng thương mại giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm. Trần lãi suất huy động với các kỳ hạn dưới 6 tháng dược điều chính giảm 25 điểm phần trăm xuống 4,00%/năm.

Theo các chuyên gia của VCBS, động thái này tiếp tục cho thấy quan điểm nhất quán của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với động thái điều hành chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu về các tỷ lệ an toàn, lành mạnh hóa hệ thống. Hiện nay, thanh khoản ngân hàng khá dồi dào do nhu cầu tín dụng giảm xuất phát từ ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2020 chỉ tăng 5,12% so với con số cùng kỳ năm ngoái là 8,44%. Động thái này cho thấy sự nhất quán trong chủ trưởng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch
Như vậy, các yếu tố thị trường thời điểm này đang tiếp tục ủng hộ kịch bản không xảy ra tình trạng thiếu hụt thanh khoản ít nhất từ nay tới cuối năm.

Nhìn rộng ra thế giới, trong xu hướng giảm lãi suất điều hành của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, xu hướng tăng giá của các kênh tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,… sẽ vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của nỗ lực điều hành các chính sách tiền tệ, việc phối hợp với các chính sách tài khóa là điều cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán khó đoán trong ngắn hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO