(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thông qua vay vốn từ chương trình, người dân, người lao động sử dụng vốn vay để kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ; nuôi trồng cây cảnh, cây nông nghiệp và vật nuôi…. tùy đặc điểm điều kiện tự nhiên mỗi vùng, mỗi địa bàn, từ đó tạo công ăn việc làm và có thu nhập để phục vụ đời sống, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Thành phố Hồ Chí Minh, là thành phố năng động, sáng tạo trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố cũng mang đậm dấu ấn của cách làm sáng tạo, nhân văn, góp phần đưa thành phố trở thành “thành phố nghĩa tình” trong trái tim người dân cả nước.
Ý nghĩa mang lại đó, hội tụ bởi nhiều yếu tố từ sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, từ truyền thống văn hóa và bản sắc người dân thành phố, đến cơ chế chính sách của Đảng, Chính phủ và UBND thành phố trong quá trình xóa đói giảm nghèo, để tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo đó, thành phố luôn quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách.
Nguồn vốn cho chương trình tín dụng chính sách do UBND thành phố cấp không ngừng tăng qua từng năm và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, chiếm gần 50%. Các chương trình tín dụng chính sách như: xóa đói giảm nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay học sinh sinh viên; cho vay nhà ở xã hội… phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; hỗ trợ khu vực nông thôn ngoại thành của thành phố còn gặp nhiều khó khăn để phát triển, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Việc huyện Cần Giờ vừa được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là minh chứng thực tiễn cho kết quả của quá trình này. Trong đó, các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm hộ nghèo để đạt chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo theo quy định. Đây cũng là huyện có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2020, tăng gần 90 tỷ đồng so với năm 2019.
Có thể nói, mỗi chương trình tín dụng chính sách đều đã mang lại hiệu quả và ý nghĩa quan trọng trong từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Đơn cử như chương trình cho vay giải quyết việc làm đã và đang là chương trình mang lại hiệu quả và góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của thành phố.
Thông qua vay vốn từ chương trình, người dân, người lao động sử dụng vốn vay để kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ; nuôi trồng cây cảnh, cây nông nghiệp và vật nuôi…. tùy đặc điểm điều kiện tự nhiên mỗi vùng, mỗi địa bàn, từ đó tạo công ăn việc làm và có thu nhập để phục vụ đời sống, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Tổng dư nợ cho vay của chương trình hiện đạt trên 3.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 60% trong tổng dư nợ tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố.
Sự bền vững cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội mang lại từ chương trình đó chính là hiệu quả sử dụng vốn. Từ đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, người lao động đã tạo ra công ăn việc làm và thu nhập, không chỉ phục vụ đời sống trong ngắn hạn mà nhiều trường hợp còn là công việc, nghề nghiệp gắn bó với người dân và có xu hướng ngày càng phát triển mở rộng. Đây là điểm mấu chốt và hiệu quả cốt lõi mà chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm mang lại trên địa bàn thành phố: cho vay tạo việc làm, có thu nhập, phục vụ đời sống sinh hoạt người dân, trả nợ vay và có tích lũy, từ đó mở rộng kinh doanh, phát triển ngành nghề… tạo ra dòng chu chuyển vốn hiệu quả góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Kết quả đó, cùng với xu hướng tăng trưởng của chương trình tín dụng này trong suốt thời gian qua, đã và đang phản ánh chương trình này là chủ trương trúng và đúng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, trở thành yếu tố tạo sự khác biệt trong thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Qua đây, Ngân hàng Chính sách xã hội cần quan tâm mở rộng và phát triển chương trình, đồng thời gắn với các hoạt động khác như: tư vấn và giáo dục hướng nghiệp; công tác đào tạo nghề; giáo dục khởi nghiệp và khơi dậy tinh thần khát vọng phát triển, tạo động lực, động viên người dân, người lao động không ngừng sáng tạo trong lao động, sản xuất kinh doanh. Từ đồng vốn hỗ trợ của chương trình tạo ra nhiều việc làm, thu nhập để cải thiện đời sống và cung cấp sản phẩm đa dạng phong phú cho nền kinh tế, cho xã hội, thực hiện thành công mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, thành phố vì hạnh phúc của nhân dân.