(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong chuyển đổi số như khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như sự cạnh tranh của các công ty Fintech, Bigtech… nhưng theo các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp các ngân hàng nắm bắt xu hướng thị trường nhanh hơn, tạo cơ hội cho ngân hàng bứt phá.
Tại Hội thảo “Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc” tổ chức ngày 21/1, các chuyên gia kinh tế, công nghệ, truyền thông đã có những chia sẻ nhận diện các thách thức từ việc chuyển đổi số ngành Ngân hàng, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp ngành Ngân hàng có những cơ hội bứt tốc trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Các chuyên gia đã có những phân tích và đánh giá tương lai của ngân hàng số cũng như việc chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói chung. Đồng thời, nhận định các vấn đề như: An ninh – an toàn, đội ngũ nhân sự và hạ tầng cơ sở sẽ là những thách thức trong chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số.
Nhìn nhận thực tiễn và hiệu quả mang lại từ ngân hàng số trong việc phục vụ phát triển kinh tế và nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng, tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề cập và đưa ra các giải pháp liên quan đến ngân hàng số, góp thúc đẩy thay đổi hành vi, thói quen người tiêu dùng từ các giao dịch trong môi trường số hóa.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước. |
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - kinh tế số, xã hội số là xu hướng tất yếu của thời đại. Ngành tài chính ngân hàng mang trọng trách là huyết mạch của nền kinh tế, cung ứng những dịch vụ thiết yếu và nền tảng, thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển. Do đó, trong thời gian qua, đại đa số các ngân hàng xác định, chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là bắt buộc. Nhiều ngân hàng đã định hình lại chiến lược của mình và xác định chuyển đổi số là lựa chọn để tồn tại, bắt kịp xu hướng và tạo lợi thế cạnh tranh.
Thông tin tại hội thảo cho thấy, Việt Nam có những cơ hội lớn trong phát triển ngân hàng số, như: Trên 50% dân số sở hữu smartphone, 130 triệu thuê bao di động, dân số dưới tuổi 35 chiếm trên 50%, thuê bao internet khoảng 67%, thời gian sử dụng smartphone trung bình 1 ngày của người Việt là 2 giờ, tăng trưởng thương mại điện tử đạt tốc độ 30%/năm, dân số trưởng thành không được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng gần 50%... Việt Nam cũng là nền kinh tế số thứ 2 Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng 40%/năm.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hơn 90% ngân hàng Việt bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó gần 60% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.
Ông Đỗ Quý Vũ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông - cho rằng, các tổ chức tài chính sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thân thiện với người dùng và rẻ hơn cho khách hàng. Chuyển đổi số giúp các ngân hàng và tổ chức tài chính đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, đồng thời, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng trong giao dịch với ngân hàng cũng như hoạt động mua sắm trực tuyến.
Đối với lĩnh vực mua sắm, ông Vũ cho rằng, sự đổi mới tốt nhất chủ yếu đến từ các tổ chức công nghệ tài chính. "Họ cung cấp các giao diện khách hàng giúp đơn giản hóa các tương tác và cắt giảm thời gian thành tiền. Thường sẽ có một khoảng cách lớn giữa các tổ chức công nghệ và các tổ chức tài chính truyền thống”, ông Vũ nói.
|
Còn theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) - ngân hàng số có thể coi là đích trong khi chuyển đổi số là một quá trình với nhiều cấp độ hướng tới ngân hàng số đích thực. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Về thực trạng chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam, ông Dũng cho biết, trong số các ngân hàng đã/đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số thì có 88% các tổ chức tín dụng lựa chọn triển khai số hóa dần các kênh giao tiếp khách hàng (front-end) và nghiệp vụ nội bộ (back-end); 19% tổ chức tín dụng đã hoặc có kế hoạch thiết lập thương hiệu/kênh ngân hàng số mới. Tuy nhiên, chỉ 6% tổ chức tín dụng tiến hành số hóa mình kênh giao tiếp khách hàng (front-end only). Song, theo ông Dũng, nhiều nghiệp vụ được đánh giá đã được số hóa 100% (bởi ít nhất 1 đơn vị) bao gồm cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử; Ví điện tử; Thẻ ngân hàng; Nhận tiền gửi tiết kiệm…
Ông Dũng cho rằng, các ngân hàng cũng đang đứng trước thách thức trong chuyển đổi số như: Khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, sự cạnh tranh của các công ty Fintech, Bigtech, hay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi. Thậm chí thách thức lớn nữa, đó là: Thay đổi nhận thức của người dân.
Để giải bài toán trên, theo ông Dũng, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số. Đồng thời, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa cũng như chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính.
Về giải pháp hạ tầng công nghệ số, ông Dũng cho rằng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành Ngân hàng cũng như tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long |
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ngân hàng số là mô hình kinh doanh ngân hàng, gồm 4 trụ cột: sản phẩm mới; cách thức bán, kênh tiếp cận; cơ chế vận hành, phục vụ khách hàng và cơ chế kiểm soát rủi ro.
Lý do mà các ngân hàng và các tổ chức tài chính cần chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; Tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí rẻ hơn; Cá nhân hoá trải nghiệm người dùng. Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp các ngân hàng nắm bắt xu hướng và thay đổi của thị trường nhanh hơn, cơ hội cho ngân hàng bứt phá. Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tạo ra 2 lợi ích cơ bản, đó là: Giảm thiểu chi phí giao dịch và gia tăng lợi nhuận
Theo ông Long, các ngân hàng cũng sẽ gặp thách thức không nhỏ trong việc chuyển đổi số đó là việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị với trong tâm là phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang tính tích hợp cao cũng như phát triển các kênh phân phối mới. Thay đổi làm việc theo mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới không phải là điều dễ dàng. Bên cạnh đó, việc quyết định đầu tư hệ thống công nghệ nhằm đáp ứng sự thay đổi trong xu hương mua sắm, tiêu dùng các dịch vụ hiện nay là vấn đề khó. Đây là một khoản đầu tư lớn, khó đánh giá được hiệu quả.
Ông Long cũng cho rằng hạ tầng công nghệ và hệ thống nền tảng thanh toán hiện nay chưa đáp ứng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh của người dùng. Đồng thời, Việt Nam chưa có một cơ sở dữ liệu cá nhân để định danh thống nhất nên việc xác thực khác hàng trong tương lai bằng số hoá vẫn còn gặp khó khăn.
“Thiếu hệ thống nhận diện kỹ thuật số đối với cá nhân để có thể sử dụng được. Ðiều này có thể dẫn đến tình trạng làm giả thông tin cá nhân và thiếu các thông tin định dạng cá nhân cơ bản, nhất là với dân cư tại khu vực nông thôn”, ông Long cảnh báo. Cũng theo ông Long, bảo mật là một vấn đề rất phức tạp, là một trở ngại cho sự phát triển ngân hàng số bởi rủi ro an ninh mạng và nguy cơ bị tấn công ngày càng lớn.
Theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thống kê an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính cho thấy, có tới 51% các vụ lừa đảo trên mạng trong năm 2019 (năm 2018 là 44,7%). Trong khi đó, lợi ích tài chính là động cơ chính của tội phạm mạng chiếm đến 86%. Để đảm bảo an toàn thông tin, VNCERT/CC khuyến cáo các tổ chức tài chính, ngân hàng cần phân tách các vùng mạng và có phương án bảo vệ riêng cho mỗi vùng mạng cũng như thiết lập và bảo vệ các kết nối VPN, thiết lập các hệ thống phòng chống xâm nhập cho các vùng thông tin. Cần xác thực mạnh và chữ ký số để đảm bảo giao dịch trực tuyến. Đồng thời, duy trì giám sát, kiểm tra, phát hiện các lỗ hổng trong ứng dụng phát triển. |