Ngày 9/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có buổi họp với các chuyên gia kinh tế đầu ngành nhằm tìm ra giải pháp để quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn.
Tham dự buổi họp có: Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng; lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc NHNN.
Cùng tham dự buổi họp còn có: các chuyên gia là thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện đào tạo và các chuyên gia kinh tế tài chính độc lập…
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, hiện nay, không chỉ NHNN mà các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới cũng đang trong giai đoạn rất thách thức và khó khăn, bởi bối cảnh kinh tế không thuận lợi.
Đối với vàng, Thống đốc cho biết, đây cũng là câu chuyện đầy thách thức của các quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn, dù Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo rất quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tài chính tiền tệ, an toàn của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, trên thị trường tài chính vẫn xuất hiện một số vấn đề, trong đó vàng cũng là một trong những mối quan tâm.
Do đó, Thống đốc mong muốn qua cuộc họp với các chuyên gia sẽ có gợi mở thêm các giải pháp quản lý thị trường vàng để đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Đồng thời, NHNN cung tham vấn thêm ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24).
Thành công bước đầu trong việc kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước
Làm rõ hơn những vấn đề trên thị trường vàng hiện nay, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, giá vàng trên thế giới tăng mạnh thời gian qua là do một số nguyên nhân chủ yếu như: căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng giảm lãi suất của một số NHTW trên thế giới, một số NHTW đẩy mạnh mua vàng.... Điều này khiến nhu cầu vàng trên thế giới tăng, qua đó đẩy giá vàng tăng theo. Thống kê cho thấy, trong 2 năm vừa qua giá vàng trên thế giới đã tăng khoảng 30%.
Về chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, khi giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước tăng là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng tăng còn đến từ yếu tố như nhu cầu vàng trong dân tăng theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. 10 năm qua, GDP của Việt Nam ở mức cao thì nhu cầu vàng của người dân cũng cao, dẫn đến chênh lệch về cung cầu. Ngoài ra, các diễn biến không mấy tích cực từ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp… dẫn đến vàng càng hấp dẫn. Thống kê cho thấy, có thời điểm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên tới 26%, do đó, Phó Thống đốc cho rằng, không loại trừ có yếu tố thao túng thị trường.
Trước những biến động của thị trường vàng thời gian qua, Phó Thống đốc cho biết, NHNN thực hiện tăng cung ra thị trường thông qua 9 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC ra thị trường, tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không giảm. Do vậy, NHNN đã triển khai giải pháp bán vàng cho 4 NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) và SJC. Ngay sau khi triển khai giải pháp này, giá vàng trong nước đã giảm rất nhanh, hiện tại, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Với quy mô thị trường vàng trong nước và quy mô dự trữ ngoại hối, Phó Thống đốc khẳng định, NHNN hoàn toàn đủ khả năng can thiệp bình ổn thị trường vàng.
Phát biểu tại buổi họp, các chuyên gia đánh giá cao sự linh hoạt, kịp thời của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung, quản lý thị trường vàng ngoại hối nói riêng. Các chuyên gia cũng khẳng định, những giải pháp đang được NHNN triển khai nhằm ổn định thị trường vàng, kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra ban đầu.
“Các giải pháp quản lý thị trường vàng trong hơn 1 tháng vừa qua của NHNN đã đạt được những thành công bước đầu là kéo được giá vàng giảm xuống. Như vậy, mục tiêu đặt ra đã làm được”, PGS, TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nêu quan điểm và cho rằng: “Đây mới chỉ là thành công bước đầu, chứ không giải quyết được toàn diện vấn đề của thị trường. Do vậy, việc sửa đổi Nghị định 24 là tất yếu. Cần được khẩn trương, nhanh chóng sửa đổi”.
Cũng theo PGS,TS. Nguyễn Thị Mùi, trong bối cảnh hiện nay người dân nên thận trọng mua vàng để tránh rủi ro. Bởi lẽ, chỉ khi đầu tư mua vàng mà giá vàng tăng lên lúc ấy mới kiếm lời, nếu giá vàng giữ nguyên hoặc giảm đi thì giá trị 1 chỉ vàng sau 5 năm 10 năm vẫn là 1 chỉ vàng. "Người dân phải rất cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư có thể kiếm lời cho người dân tiền, chẳng hạn như với những người không dư giả về kinh tế, gửi tiền tiết kiệm là kênh phù hợp", PGS,TS. Nguyễn Thị Mùi đưa ra lời khuyên.
GS,TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá XV cũng đánh giá cao công tác điều hành của NHNN thời gian qua đã kịp thời kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Các giải pháp can thiệp của NHNN đã đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến thị trường vàng, GS,TS. Hoàng Văn Cường cũng đồng tình với việc sửa đổi Nghị định 24. Bởi đến nay, Nghị định 24 đã hoàn thành vai trò lịch sử, tuy nhiên, có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế nên cần sớm được sửa đổi, thay thế.
Giải pháp căn cơ để thị trường vàng phát triển lành mạnh, ổn định
Cùng chung quan điểm với các chuyên gia trên, tại buổi họp, các chuyên gia khác cũng đồng tình rằng, để giải quyết căn cơ các vấn đề của thị trường vàng cần đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định 24.
Nhận định Nghị định 24 đã hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khuyến nghị, NHNN nên vận động Chính phủ sớm ban hành văn bản thay thế Nghị định 24.
Bởi, trong hơn 12 năm qua, Nghị định 24 đã đóng góp quan trọng như thay đổi tập quán của người dân không sử dụng vàng làm phương tiện trao đổi, thậm chí là không còn là phương tiện cất giữ tài sản, đẩy lùi vàng hoá trong nền kinh tế… Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cần phải có giải pháp thay thế phù hợp hơn với bối cảnh mới.
TS. Trương Văn Phước cho rằng, sắp tới, việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường quyết định. NHNN với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định do vậy NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho doanh nghiệp hoặc TCTD có điều kiện. Như vậy, thị trường vàng sẽ điều tiết theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất.
Còn theo GS,TS. Hoàng Văn Cường, thành công của Nghị định 24 là chống được vàng hoá, đô la hoá nền kinh tế. Trong 10 năm qua, người dân không nghĩ đến chuyện mua vàng để đầu cơ trục lợi khi giá tăng. Chỉ có trong thời gian ngắn vừa qua, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, tình trạng này mới quay trở lại.
Do đó, để tránh hiện tượng trên, GS,TS. Hoàng Văn Cường đồng tình với việc sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng xoá bỏ độc quyền kinh doanh vàng miếng, nên cho phép nhiều đơn vị hơn được sản xuất kinh doanh vàng miếng (trong đó có sự tham gia của các ngân hàng lớn) và cho phép các đơn vị này sẽ được phép nhập khẩu vàng. Trong quá trình sửa đổi cũng nên tính đến việc đánh thuế các giao dịch vàng. Đồng thời, cho phép kinh doanh vàng tài khoản, cũng như hình thành sàn giao dịch vàng cho thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp… Khi làm tốt những điểm này, GS,TS. Hoàng Văn Cường tin rằng giá vàng trong nước sẽ liên thông với giá vàng thế giới.
Kiến nghị về sửa đổi Nghị định 24, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia kiêm Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất bỏ độc quyền trên thị trường thông qua: bỏ quyền NHNN nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, thay vào đó cho phép một số đơn vị lớn có đủ uy tín (trong đó có NHTM) được nhập khẩu và sản xuất vàng miếng; đồng thời là bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC.
Để có giải pháp căn cơ cho thị trường vàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải có giải pháp tác động từ cung - cầu. Về cung, nên cho phép nhập khẩu vàng (theo ý kiến của các chuyên gia nhập khẩu lượng vàng trị giá khoảng 3 tỷ USD sẽ không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối và tỷ giá). Còn về cầu, thời gian qua NHNN đã làm rất tốt, tuy nhiên, có một điểm NHNN không làm được đó là các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản, trái phiếu…), do đó, cần phải tiếp tục kiến nghị nhà nước có giải pháp tháo gỡ các kênh đầu tư này.
Đối với sàn vàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không nhất thiết phải lập sàn vàng, vì: hiện tại người dân đã thực hiện mua bán vàng qua tài khoản, điều này cũng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, cần kiến nghị Bộ Tài chính cho phép thực hiện Hợp đồng phái sinh vàng, đây là điều một số quốc gia trên thế giới cũng đã làm.
Cùng chung quan điểm về xoá bỏ độc quyền trên thị trường vàng, TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng, cần xoá bỏ độc quyền nhập khẩu vàng và thương hiệu vàng. Nên giao nhập khẩu vàng miếng cho một số doanh nghiệp uy tín, thậm chí là 4 NHTM tham gia vào bán vàng bình ổn thị trường thời gian qua. Tuy nhiên, để làm được điều này, điều quan trọng là NHNN phải quản lý và kiểm soát chặt chẽ được giá, cũng như kiểm soát được chất lượng vàng của các thương hiệu trên thị trường.
Đồng thời, PGS,TS. Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. "Việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp", PGS,TS. Nguyễn Thị Mùi nêu quan điểm.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng bày tỏ quan điểm xoá bỏ độc quyền vàng miếng SJC, xoá bỏ quyền xuất nhập khẩu và sản xuất vàng của NHNN. Vị chuyên gia này kiến nghị, nên chuyển toàn bộ quản lý thị trường vàng sang theo thông lệ quốc tế, đó là: toàn bộ quản lý và kinh doanh vàng không có sự phân biệt vàng miếng hay vàng trang sức, mà coi đó là vàng. Từ đó, hoạt động kinh doanh vàng nên giao toàn bộ cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quản lý, bởi NHNN không thể thay thế Bộ Công Thương trong việc đăng ký bản quyền, đăng ký chất lượng hàng hoá, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng….
Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, nếu vẫn giữ vàng thương hiệu SJC là vàng miếng độc quyền như hiện nay thì vàng đó nên được hiểu là vàng tiền tệ, vàng của NHNN. Còn các vàng khác trên thị trường là hàng hoá thì nên giao cho Bộ Công Thương quản lý. Đồng thời, việc xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng nên trả lại cho thị trường, cho các bộ có liên quan….
Trao đổi với các chuyên gia, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đánh giá vàng sức hấp dẫn còn rất lớn; nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng đôla hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian.
"NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh", Phó Thống đốc cho hay.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại buổi họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ý kiến phát biểu của các chuyên gia rất hữu ích, NHNN sẽ tập hợp để tham mưu Chính phủ trong quản lý thị trường vàng, cũng như sửa đổi Nghị định 24 trong thời gian tới. "Mục tiêu xuyên suốt của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, để người dân chuyển vàng vào sản xuất - kinh doanh", Thống đốc nhấn mạnh.