(thitruongtaichinhtiente.vn) - TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng, Mobile Money là sản phẩm mới, là xu hướng nhưng phải xây dựng hành lang pháp lý cụ thể để tránh các rủi ro xảy ra.
Tại Hội thảo “Phát triển dịch vụ Ngân hàng cá nhân thúc đẩy hiệu quả Ngân hàng bán lẻ” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức ngày 23/12, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng chuyển đổi số, digital banking là xu hướng toàn cầu và Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng này rất mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, hơn 40% người dân chưa có tài khoản ngân hàng nên cần phải có phương thức sử dụng dễ dàng mới như Ví điện tử, Mobile Money… để những người không có tài khoản ngân hàng có thể sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và ngân hàng đừng nghe tên thấy "kêu" mà vội vã triển khai trong khi chưa đánh giá hết rủi ro, cần xây dựng hành lang pháp lý cụ thể. "Mobile Money có thể tạo ra rủi ro rất lớn đối với hệ thống tài chính”, ông Hiếu chia sẻ.
Chuyển đổi số là rất tốt, cần có những sản phẩm mới cho người dân. Ảnh minh họa |
Theo ông Hiếu, các ngân hàng ở Mỹ không phát hành ví điện tử (e-wallet) và Mobile Money (tiền di động). Thậm chí, QR Code cũng chưa được triển khai rộng rãi trong hệ thống ngân hàng mà vẫn sử dụng chủ yếu sản phẩm truyền thống như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, chuyển khoản… Chỉ một số công ty bán lẻ sử dụng ví điện tử cho khách hàng thanh toán hàng hóa. Ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng không phát triển mạnh những sản phẩm công nghệ mới trên cho thanh toán có lẽ là vì vấn đề an ninh, bảo mật.
Tuy nhiên theo ông Hiếu, vấn đề an toàn, bảo mật, ngoài ứng dụng công nghệ thì ý thức người dân rất quan trọng. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc tin tặc đột nhập hệ thống ngân hàng đánh cắp tiền. Ở Mỹ, người dân được giáo dục tài chính từ rất sớm, nắm cơ bản các dịch vụ tài chính ngân hàng nên người dân thường xuyên theo dõi tài khoản cá nhân, thông tin mật khẩu nhằm bảo vệ tài sản của mình. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng ở Mỹ hiện sử dụng thẻ chip, không còn sử dụng thẻ từ nên vấn đề an toàn, bảo mật cũng được nâng cao.
Ông Hiếu cũng kiến nghị áp dụng việc chấm điểm tín dụng (credit scoring) cá nhân bởi đây là vấn đề cơ bản. Những người có điểm tín dụng thấp sẽ không thể vay tiền, hoặc sẽ phải vay với lãi suất cao. Từ đó buộc họ phải "tự kỷ luật" để cải tiến điểm tín dụng của mình.
Trước đó tại Hội thảo Future Banking 2021, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu từng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát, không cho các nhà mạng chức năng "tạo tiền" để tránh rủi ro cho nền kinh tế, cho hệ thống tiền tệ. Theo ông Hiếu, chỉ cho phép người dân bỏ tiền vào tài khoản điện thoại di động, số tiền đó được lưu giữ tại các nhà mạng, và người dân chỉ được dùng số tiền đó để thanh toán. “Nhà mạng nào đó một ngày đẹp trời cho khách hàng 100 triệu đồng trong tài khoản và khách hàng đó dùng 100 triệu đồng đó đi mua sắm, đầu tư…. Ai sẽ kiểm soát điều này, nếu như cho phép các nhà mạng phát hành tiền di động”, ông Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại. Ngoài ra, để đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, ông Hiếu cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng hoàn thiện Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để trình Chính phủ ban hành sớm, từ đó tạo điều kiện cho hệ sinh thái Fintech phát triển.