Chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam xếp thứ 19 thế giới về mức độ lạc quan

Ngô Hải| 19/10/2021 17:33
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với hy vọng sớm được trở lại cuộc sống "bình thường mới", hơn 20.000 chuyên gia nước ngoài làm việc trên toàn cấu cho thấy sự vững tin khi sống và làm việc ở nước ngoài không hề giảm sút. Việt Nam đứng thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nâng ba bậc lên hạng 19 trong bảng xếp hạng chung toàn thế giới.

 Hình minh họa 

Đây là kết quả từ khảo sát "Expat Explorer thứ 14" – một khảo sát được tiến hành trên toàn cầu với sự tham gia của hơn 20.000 người đang sống và làm việc ở nước ngoài, vừa được HSBC công bố. Trong đợt khảo sát này, gần 2/3 (65%) chuyên gia nước ngoài cảm thấy lạc quan về tương lai trong vòng một năm sắp tới bất chấp những biến động khó lường trong 18 tháng vừa qua.

Nguyên nhân chính khiến họ lạc quan là niềm hy vọng sớm được trở lại cuộc sống “bình thường” (75%). Bên cạnh đó, sáu trong mười chuyên gia (61%) cảm thấy tích cực vì chất lượng cuộc sống họ có thể tận hưởng. Chuyên gia nước ngoài ở Đài Loan thuộc nhóm lạc quan nhất (85%), theo sát sau đó là các chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam, New Zealand và Úc (cùng đạt 83%).

Trong bối cảnh thế giới liên tục trải qua những biến động vì đại dịch, nghiên cứu này cho thấy những quốc gia duy trì tình hình ổn định được xếp thứ hạng cao. Gần như toàn bộ chuyên gia nước ngoài ở Úc, Thụy Sĩ và Jersey (thuộc Channel Islands – Quần đảo Eo biển) đánh giá quốc gia họ đang sống là một nơi “ổn định” để tiếp tục an cư trong vòng 12 tháng tới – Úc (92%), Thụy Sĩ (92%), Jersey (90%).

Đại dịch không hề khiến mong muốn tiếp tục sống và làm việc ở nước ngoài của các chuyên gia giảm sút, phần lớn trong số họ có ý định ở lại nơi họ đang sống trong tương lai gần, 80% dự định tiếp tục sống ở quốc gia hiện tại ít nhất trong vòng một năm sắp tới, chỉ khoảng 7% có kế hoạch chuyển đi.

Khảo sát còn cho thấy chuyên gia nước ngoài coi trọng những lựa chọn liên quan đến đời sống cá nhân hơn các động lực truyền thống thúc đẩy họ di chuyển sang quốc gia khác như sự nghiệp thăng tiến (34%) hay mở rộng các mối quan hệ trong công việc (31%). Năm mục tiêu lớn nhất giới chuyên gia muốn đạt được trong vòng 12 tháng tới là: Làm quen với địa phương mình sinh sống (50%); Đi du lịch (47%); Hiểu và khám phá văn hóa bản địa (47%); Kết giao bạn bè mới (45%); Ra ngoài nhiều hơn (41%).

Hơn hai phần ba (67%) chuyên gia tham gia khảo sát tin rằng chất lượng cuộc sống ở quốc gia hiện tại tốt hơn. Ngoài ra, trên toàn thế giới, hơn hai trong năm chuyên gia (46%) cảm thấy cộng đồng nơi họ đang sống đã thay đổi theo hướng hỗ trợ nhiều hơn trong mùa dịch COVID-19. Con số này ở Việt Nam còn cao hơn, 51% chuyên gia nước ngoài cho biết cộng đồng địa phương tương trợ lẫn nhau nhiều hơn từ khi dịch bệnh xảy ra.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng nhấn mạnh một số thách thức đặt ra cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Hơn một nửa (63%) trong số họ đã không thể đi công tác nước ngoài và phần lớn (90%) không được gặp gia đình, bạn bè ở quê nhà. Trong bối cảnh đó, cộng đồng chuyên gia trên toàn thế giới vẫn kiên cường trụ vững, hai trong năm chuyên gia (42%) cho biết họ vẫn có thể tiếp tục chăm sóc sức khỏe thể chất cho bản thân.

Cameron Senior, Giám đốc tạm thời điều hành Bộ phận HSBC Expat, cho biết: “Trong bối cảnh đầy thách thức, tôi rất phấn khởi khi nhìn thấy tinh thần lạc quan vẫn thắp sáng trong cộng đồng chuyên gia nước ngoài trên toàn thế giới. Nghiên cứu của chúng tôi khẳng định các chuyên gia sẽ tiếp tục phát triển tại các quốc gia họ đang sống và nhiều người trong số họ mong được tiếp tục ở lại trong tương lai gần. Sau nhiều tháng với nhiều diễn biến khó lường, thật phấn chấn khi nghe các chuyên gia được hưởng lợi nhờ di chuyển sang nước khác sống và làm việc, hơn 2/3 trong số họ nói rằng họ cảm thấy chất lượng cuộc sống hiện tại tốt hơn, mặc dù phải trải qua nhiều thay đổi".

Còn theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, trong bối cảnh cả thế giới gặp nhiều thách thức vì đại dịch COVID-19, tinh thần lạc quan ngày càng lan rộng vì tiến độ triển khai tiêm phòng vắc-xin ngày một nhanh hơn nghĩa là chúng ta sẽ sớm lấy lại cuộc sống bình thường.

Ở Việt Nam, điều đó còn đồng nghĩa với kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại với một đất nước năng động và thú vị. Không chỉ có một nền kinh tế năng động, phát triển nhanh chóng, quốc gia này còn sở hữu điều kiện địa lý đa dạng từ núi cao, rừng rậm đến biển khơi, đồ ăn tuyệt vời và những con người thân thiện dễ mến.

"Là một chuyên gia nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam, tôi không muốn chuyển đi bất cứ nơi nào khác trong giai đoạn đặc biệt hiện nay”, ông Tim Evans nhấn mạnh.

Để đánh giá tổng thể, các chuyên gia nước ngoài đã xếp hạng 10 nơi đứng đầu để sống và làm việc trong năm 2021, cụ thể: Thụy Sĩ, Úc, New Zealand, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Guernsey (thuộc Channel Islands – Quần đảo Eo biển), Jersey (thuộc Channel Islands – Quần đảo Eo biển), Isle of Man (vùng đất tự trị nằm ở biển Ireland, giữa Anh và Bắc Ireland), Bahrain, Singapore, Qatar.

Việt Nam đứng thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nâng ba bậc lên hạng 19 trong bảng xếp hạng chung toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam xếp thứ 19 thế giới về mức độ lạc quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO