Các chuyên gia MBS Research dự báo, tỷ giá VND/USD có thể đạt mốc 24.500 đồng với tầm nhìn Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay...
Tỷ giá trong nước thể hiện xu hướng tăng mạnh trong tháng 8. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm. Đến nay, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm, hiện ở mức khoảng 8,4%/năm. Lãi suất cho vay USD vẫn thấp hơn lãi suất cho vay VND, hiện ở mức khoảng 5%/năm.
MBS Research cho biết, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao đã khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND.
Trong phiên giao dịch ngày 11/9, Ngân hàng Nhà nước đã đưa tỷ giá trung tâm lên mức 24.005 VND/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước, lên mức cao nhất từ trước tới nay. Kể từ đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 393 đồng, tương đương 1,66%.
Tuy nhiên trong phiên giao dịch ngày 12/9, tỷ giá đã hạ nhiệt đôi chút. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.981 VND/USD, giảm 24 đồng so với phiên ngày 11/9.
Trong khi đó, tuần qua, đồng USD tiếp tục biến động khá lớn khi chỉ số DXY vượt mốc 105 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 3/2023, khi những lo lắng về tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền trú ẩn an toàn của Mỹ. Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 8 tháng trong tháng 8, do nhu cầu yếu tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và biện pháp kích thích không thể phục hồi tiêu dùng hợp lý.
Đưa ra đánh giá tại Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2023 được tổ chức bởi Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ông Motokatsu Ban, Giám đốc điều hành Ngân hàng Mizuho Hà Nội cho biết, đồng USD tiếp tục tăng giá do chênh lệch lãi suất.
"Trong bối cảnh lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, nhà đầu tư ngại rủi ro đang tăng cường mua USD”, ông Motokatsu Ban nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Motokatsu Ban, việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm thêm lãi suất sẽ làm tăng nguy cơ đồng VND suy yếu. “Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước một quyết định khó khăn. Chúng ta cần theo dõi thêm động thái từ phía Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)”, vị chuyên gia này nói.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu đang tiếp tục bị thắt chặt, đồng thời khoảng cách về vị thế chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển cũng gia tăng là nguyên nhân dẫn đến dòng vốn có thể chảy ra khỏi Việt Nam và gây áp lực cho tỷ giá. Ngoài ra, không còn nhiều dư địa cho Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất hơn nữa và tác động của chính sách tiền tệ hiện bị hạn chế do nhu cầu tín dụng yếu.
Theo nhận định của SGI Capital, tỷ giá USD/VND trong hệ thống ngân hàng đã tăng 2,3% từ đầu năm nhưng mức độ mất giá của VND vẫn thấp so với Nhân dân tệ (4,5%) và nhiều đồng tiền trong khu vực.
“Lãi suất ngắn hạn VND hiện đã thấp hơn USD có thể làm giảm sức hấp dẫn của VND. Đồng thời, tỷ giá nếu tiếp tục tăng sẽ là dấu hiệu của dòng ngoại tệ rút ra và có thể gây sức ép ngược lại lên thanh khoản VND và các lãi suất ngắn hạn”, SGI Capital lưu ý.
Trong khi đó, các chuyên gia MBS Research dự báo, tỷ giá VND/USD có thể đạt mốc 24.500 đồng với tầm nhìn FED có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay, tuy nhiên áp lực có thể không mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.
Chuyên gia của SSI Research có góc nhìn lạc quan hơn đối với diễn biến tỷ giá. Cụ thể, SSI Research duy trì quan điểm cho rằng biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III.
Điểm tích cực là vị thế của Ngân hàng Nhà nước tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái (nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm) cũng như nguồn cung ngoại tệ tích cực như FDI giải ngân 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ hay cán cân thương mại ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 19,9 tỷ USD.