Vấn đề - Nhận định

Chuyên gia: Xét tất cả các tiêu chí, Việt Nam là một nền kinh tế thị trường

Tri Nhân (thực hiện) 06/06/2024 06:00

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ, PGS,TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, xét tất cả các tiêu chí, Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Đồng tiền Việt Nam được chuyển đổi sang đồng tiền các nước, tỷ giá phù hợp với tỷ giá thị trường. Việt Nam không có thao túng tiền tệ.

Phóng viên: Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang xem xét và hạn cuối để đưa ra quyết định đối với vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam là tháng 7/2024. Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, quan điểm của ông với vấn đề này như thế nào?

PGS,TS. Nguyễn Thường Lạng: Theo tôi, việc Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và nỗ lực của gần 40 năm đổi mới - chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Đạo luật Thuế quan Hoa kỳ năm 1930 và các lần sửa đổi, trạng thái kinh tế phi thị trường đưa ra 6 tiêu chí: 1. Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; 2. Mức độ thương lượng tiền lương giữa người chủ và lao động; 3. Mức độ tự do đối với đầu tư của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; 4. Mức độ sở hữu hoặc phương pháp sản xuất của doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước; 5. Mức độ kiểm soát của Chính phủ đối với mạng lưới phân phối, giá cả và sản lượng; 6. Các yếu tố thích hợp khác do cơ quan quyền lực Hoa Kỳ cân nhắc xem xét.

Xét tất cả các tiêu chí đó, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường và việc công nhận quy chế này đáng lẽ cần được Hoa Kỳ tiến hành sớm hơn theo đề xuất của Việt Nam trước đây. Nếu dự định đó thực hiện thì đó là quyết định phù hợp. Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và lòng tin toàn diện hai bên đang tăng lên cao nhất.

520240307183700.jpg
PGS,TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân)

Phóng viên: Ông có thể phân tích rõ hơn những yếu tố để khẳng định Việt Nam là nền kinh tế thị trường?

PGS,TS. Nguyễn Thường Lạng: Nếu xem xét theo 6 tiêu chí Hoa Kỳ dùng để đánh giá về nền kinh tế thị trường, tính từ thời điểm Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa kỳ có hiệu lực từ năm 2001, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc.

Đồng tiền Việt Nam (VND) có thể chuyển đổi sang đồng tiền của các nước nhất là các đồng tiền tự do chuyển đổi toàn cầu như đồng Đô la Mỹ và đồng Euro. Đồng tiền Việt Nam (VND) được duy trì tỷ giá phù hợp với tỷ giá thị trường.

Theo khảo sát của nhà chức trách tiền tệ Hoa Kỳ Việt Nam không có hành vi thao túng tiền tệ. Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Điều này là sự minh chứng khách quan về bản chất đồng tiền Việt Nam phù hợp với giao dịch thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã quyết liệt xử lý các tiêu cực trên thị trường trái phiếu, làm tăng tính minh bạch của thị trường trái phiếu, loại bỏ tình trạng thao túng thị trường và đã có các quy định phòng chống rửa tiền.

Về tiền lương lao động, Việt Nam hoàn toàn thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu vùng để bảo vệ người lao động, cũng như các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Hơn nữa, việc cải cách tiền lương và mức lương mới được nâng lên từ ngày 1/7/2024 góp phần điều chỉnh thị trường lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế từ nước thu nhập trung bình thấp (2010) đến nước có thu nhập trung bình cao (2030).

Vai trò tổ chức công đoàn trong thương lượng được phát huy theo các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP làm tăng tính minh bạch và hoàn thiện thị trường lao động.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam bảo đảm sự tự do cao nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong gần 40 năm thu hút FDI Việt Nam thu hút khoảng 450 tỷ đô la Mỹ, với vốn đăng ký và 230 tỷ đô la Mỹ vốn thực hiện.

Năm 2020, Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới và FDI vào Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Sau khi có Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút FDI giai đoạn 2021-2030, quy mô FDI thu hút còn tiếp tục tăng lên khẳng định sự tự do đối với đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài ngày càng cải thiện.

Năm 2020, Việt Nam vượt Nhật Bản - nước có nền kinh tế thị trường, về thu hút FDI. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát và đánh giá với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức hợp tác quốc tế Hoa Kỳ - USAID) đã đánh giá mức độ tự do và minh bạch thu hút FDI tiến hành ở Việt Nam gần 20 năm cho thấy mức độ tự do này đang tăng lên.

Việt Nam còn cam kết thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 càng khẳng định sự minh bạch và tự do ngày càng cao của môi trường đầu tư với sự hỗ trợ cao nhất có thể.

Về đất đai, Việt Nam đã sửa Luật Đất đai theo cơ chế thị trường, bảo đảm giá đất sát thị trường và đều được minh bạch hoá. Luật Đất đai cũng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 cho thấy, thị trường đất đai và bất động sản đã vận hành theo nguyên tắc kinh tế thị trường.

Ngay doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu (DNNN) cũng đang vận hành theo nguyên tắc thị trường, tiếp cận bình đẳng nguồn lực với doanh nghiệp tư nhân và tư nhân được hợp tác chiến lược với nhà nước trong mô hình hợp tác công tư. Kinh tế tư nhân Việt Nam được khuyến khích phát triển. Sự vận hành của DNNN được minh bạch hoá, tham nhũng được đấu tranh quyết liệt làm tăng tính minh bạch và công bằng của thị trường.

Về mạng lưới phân phối, giá cả và sản lượng do thị trường điều tiết.

Phóng viên: Việc công nhận là nền kinh tế thị trường có ý nghĩa và lợi ích gì đối với Việt Nam, thưa ông?

PGS,TS. Nguyễn Thường Lạng: Việc công nhận quy chế thị trường của Việt Nam sẽ giúp 2 nước hưởng nhiều lợi ích kinh tế hơn. Với nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp Việt Nam không bị cáo buộc bán phá giá và bán hàng trợ cấp nên sẽ tăng xuất khẩu và sẽ tham gia sâu vào thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam cũng sẽ thu hút mạnh FDI từ Hoa Kỳ.

Còn lợi ích mà các công ty Mỹ có được đó là các cơ hội tiếp cận thị trường và gia tăng xuất khẩu. Các rào cản thương mại, doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam dễ hơn với chi phí thấp hơn.

Quy mô xuất nhập khẩu và đầu tư sẽ đạt kỷ lục mới. Những lĩnh vực hợp tác mới có điều kiện mở rộng phạm vi và hầu như không còn rào cản truyền thống.

Các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp bán dẫn, chuyển dịch cơ cấu năng lượng, phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhiều lĩnh vực có triển vọng khác sẽ được phát triển trên nền tảng đối tác thương mại bình đẳng hoàn toàn và thực chất. Đó là tiềm năng tươi đẹp của tương lai hợp tác giữa hai nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia: Xét tất cả các tiêu chí, Việt Nam là một nền kinh tế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO