Cơ chế một cửa quốc gia: Giảm phiền hà, tăng hiệu quả quản lý

Thanh Thanh| 04/11/2022 15:42
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng tại Hội thảo Công bố mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) về việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua cơ chế một cửa quốc gia (CCMCQG) và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tổ chức sáng ngày 3/11.

Hội thảo do Tổng cục Hải quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức

Gần 5 triệu hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp  được kết nối

Toàn cảnh Hội thảo Công bố mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia (CCMCQG) và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành

Thông tin tại hội thảo cho biết, cuộc khảo sát được thực hiện với 2 phần nội dung chính. Đối với nội dung khảo sát, việc thực hiện TTHC trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tính đến tháng 4/2022, có 12 TTHC của 5 bộ, ngành đang được thực hiện. Việc thực hiện thủ tục quản lý và KTCN được khảo sát chung với các thủ tục của 10 bộ quản lý chuyên ngành.

Các khuyến nghị, bao gồm hướng dẫn tăng cường cho DN, cập nhật thường xuyên về chính sách và quy định, chức năng hỏi đáp, sẽ được trình lên Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, CCMCQG và tạo thuận lợi cho thương mại, cũng như các bộ ngành có liên quan đề xuất xem xét.

CCMCQG của Việt Nam cho phép DN cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan nhà nước trên một nền tảng duy nhất, hợp lý hoá TTHC, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiêm chi phí cho DN. Tính đến ngày 17/10/2022, cơ chế một cửa đã có 250/261 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 DN.

Công tác quản lý KTCN đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng DN ghi nhận. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho DN.

Các bộ, ngành đã bắt đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động KTCN ở các mức độ, hình thức khác nhau. Nhiều bộ, ngành chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nhiều thủ tục quản lý KTCN được điện tử hoá, nhiều quy định chồng chéo trong KTCN cũng đã được xử lý.

Theo Báo cáo, mức độ thuận lợi thực hiện TTHC tập trung theo nhóm Bộ, ngành giải quyết. Các thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương là những thủ tục có tỷ lệ đánh giá dễ/tương đối dễ cao nhất. Trong khi đó, nhóm thủ tục thuộc Bộ Y tế được đánh giá khó khăn hơn cả.

Cụ thể, dù số lượng DN thực hiện thủ tục "cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế" chỉ ở mức trung bình so với các thủ tục khác và mỗi DN chỉ tiến hành thủ tục này khoảng 3 lần/năm nhưng có đến 55% DN gặp khó khăn, cao nhất trong số 12 thủ tục được khảo sát. Tương tự, có đến 49% DN chưa đánh giá tích cực về thủ tục "cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu".

Xếp ngay sau 2 thủ tục của Bộ Y tế là 2 TTHC liên ngành, với 31% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế; 27% ý kiến đánh giá khó thực hiện thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh vào cảng biển quốc tế.

Tiếp tục rà soát, số hóa thủ tục

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh. để nâng cao hiệu quả CCMCQG và cải cách thủ tục quản lý, KTCN trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá và áp dụng số hoá triệt để để quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.

“Việc sớm có quy chế kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng yêu cầu thông tin không cần thiết đối với các DN, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu”- Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

“Với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN trong quá trình gì thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện CCMCQG và là cơ quan đầu mối thực hiện đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá nhập khẩu, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức phối hợp hợp tác với các bộ, ngành liên quan về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hoá các khâu thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế này”- ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan bày tỏ.

Ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam nhận định, USAID tin rằng, đối thoại giữa cộng đồng DN và cơ quan nhà nước là rất quan trọng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân sẽ mang lại sự minh bạch và cải cách hiệu quả hơn.

Thanh Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế một cửa quốc gia: Giảm phiền hà, tăng hiệu quả quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO