Các Hiệp hội ngành, nghề

"Có trường hợp doanh nghiệp là đối tác hơn 10 năm vẫn lừa nhau"

Nguyễn Huyền 06/07/2023 - 21:52

Thời gian vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam thường phản ảnh về những vướng mắc trong giao dịch với đối tác Ấn Độ, như khó kiểm tra mức độ uy tín, nhiều trường hợp nhận tiền cọc nhưng không giao hàng, chậm trễ thủ tục nhận hàng và thanh toán dù hàng đã đến cảng.

tham_tan_thuong_mai_an_do.jpeg
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại – Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến

Tại hội thảo trực tuyến do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức nhằm trao đổi một số lưu ý trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng với các đối tác Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại – Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, việc thông quan hàng hóa tại Ấn Độ về cơ bản không có vấn đề gì lớn bởi công suất, dung lượng luân chuyển hàng hóa của họ rất lớn, đáp ứng được nhu cầu. Nếu hàng hóa có đầy đủ bộ chứng từ và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhà nhập khẩu thì thông quan hàng hóa rất thuận lợi.

Sau khi doanh nghiệp đã làm xong thủ tục đến giai đoạn sau giao hàng nên thông báo cho khách hàng sau khi hàng hóa đã đóng xong và kéo ra cảng. Đây là lúc có nhiều vấn đề mà doanh nghiệp chưa lường trước được, vì vậy, cần phải liên tục cập nhật thông tin với đối tác để xem hàng hóa đang ở trong giai đoạn nào. Nếu có điều kiện đặt cọc thì yêu cầu họ gửi tiền ngay, nếu điều kiện thanh toán thì cần thanh toán ngay.

“Nếu xác định đối tác không thanh toán tiền thì kéo hàng về cảng Việt Nam, chi phí này rẻ hơn rất nhiều, vì nếu hàng hóa vào cảng Ấn Độ rồi kéo ngược về là cả một quá trình, chi phí lưu kho, lưu bãi ở Ấn Độ khoảng 1.000 USD/ngày. Nếu tranh chấp kéo dài 3 - 4 tháng thì chi phí đội lên rất nhiều.

Có trường hợp đối tác với nhau 10 năm rồi nhưng vẫn lừa nhau, vì vậy, không nên nhân nhượng, cần căn cứ đúng điều khoản hợp đồng để thanh toán, nhận được tiền sẽ giao hàng”, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh.

Mua bảo hiểm hàng hóa và hàng hải phòng khi có bất trắc

Ngoài ra, ông Thướng cũng lưu ý các doanh nghiệp khi giao dịch với doanh nghiệp Ấn Độ, bao gồm việc nắm thông tin chi tiết của đối tác Ấn Độ như: Tên doanh nghiệp, địa chỉ, mã số xuất nhập khẩu (IEC), mã số doanh nghiệp, mã số thuế GST, số điện thoại, địa chỉ email… Đây là những thông tin quan trọng để kiểm tra đối tác và là cơ sở để thực hiện khiếu nại khi có tranh chấp.

“Tất cả các hóa đơn chứng từ tài khoản ngân hàng cần phải rõ ràng, phải được đề cập trong quá trình giao dịch và cần phải biết là chúng ta bán cho ai. Trên tất cả giấy tờ phải thể hiện được ai là người chịu trách nhiệm nhận hàng và thanh toán tiền”, ông Thướng lưu ý.

Đối với chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), từ năm 2020 Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng quy định mới C/O đối với những nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ (FTA).

Mặt khác, để hưởng ưu đãi từ hiệp định ASEAN-Ấn Độ (AIFTA), các doanh nghiệp Việt Nam cần khai báo chứng nhận xuất xứ theo mẫu AI và chú ý lưu giữ bộ hồ sơ xin C/O vì có thể Ấn Độ yêu cầu thủ tục kiểm tra lại sau này.

Bộ hồ sơ thanh toán cần ghi rõ trên hợp đồng. Nếu có bất kỳ thay đổi nào so với thỏa thuận trước đây cũng phải được thể hiện bằng văn bản, phải ký phụ lục hợp đồng và phải chuyển qua email không nên sử dụng các mạng xã hội, vì không được xem là chứng cứ để xem xét và xử lý.

Theo ông Thướng, quá trình giải quyết tranh chấp thương mại ở Ấn Độ là rất phức tạp và tốn nhiều chi phí, do vậy, nếu có xảy ra vấn đề gì thì cố gắng giải quyết bằng cách thương lượng giữa hai bên. Nếu phải đưa nhau ra tòa Ấn Độ thì chưa biết vụ việc có được giải quyết hay không những doanh nghiệp Việt Nam đã phải thuê luật sư để họ nghiên cứu hồ sơ tham mưu cho doanh nghiệp và chi phí này tính theo giờ từ 100 - 200 USD/giờ.

“Chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp nên mua bảo hiểm hàng hóa và hàng hải phòng khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra thì bảo hiểm có thể bù đắp phần nào và giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch”, ông Bùi Trung Thướng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Có trường hợp doanh nghiệp là đối tác hơn 10 năm vẫn lừa nhau"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO