(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLNKT), cơ hội và thách thức từ các FTA là song hành và khá rõ ràng., để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) cần tận dụng triệt để các ưu thế từ các Hiệp định thương mại (FTA).
92% doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: DDDN |
Thông tin tại diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của DN phục hồi và phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp tổ chức cuối tuần qua, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhận định, cộng đồng DN đang rất khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Cụ thể, có tới 92% DN (94% DN tư nhân trong nước và 86% DN FDI) cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, hầu hết các DN trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…
“Cùng với những tác động tiêu cực do dịch COVID-19, khảo sát PCI cũng cho thấy các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến cho các DN dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của DN”, ông Phòng cho hay.
Để hỗ trợ DN, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng DN Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.
“Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, mỗi doanh nhân, DN cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của DN Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại. Quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường…”, Lãnh đạo VCCI đưa ra lời khuyên.
Làm gì để tận dụng ưu tế từ các FTA?
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đánh giá, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, tăng trưởng thương mại hai chiều đã có sự chuyển biến tích cực. Về đầu tư, các DN châu Âu đầu tư vào Việt Nam với số vốn đáng kể. Đây là những nguồn đầu tư có chất lượng, sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Theo đại diện Eurocham, châu Âu hiện là thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Tham gia chuỗi cung ứng và bán hàng cho DN châu Âu cũng là cơ hội cho DN Việt Nam. Về chiều ngược lại, các DN châu Âu đều mong muốn xuất khẩu (XK) sang thị trường Việt Nam nhiều hơn, qua đó tiếp cận với thị trường ASEAN và cả châu Á. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc lớn vào việc Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không.
“Hiện Eurocham đang triển khai một số chương trình tăng cường liên kết giữa cộng đồng DN hai bên như các hoạt động kết nối để các DN có thể nắm bắt các thông lệ châu Âu đang triển khai; các chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường, xúc tiến bán hàng; các chương trình đào tạo về các quy định mà DN Việt Nam cần nắm bắt…”, ông Minh chia sẻ.
Chánh văn phòng BCĐLNKT, ông Trịnh Minh Anh nhận định, cơ hội và thách thức từ các FTA là song hành và khá rõ ràng. “Điều này đồng nghĩa, các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi cộng đồng DN có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các hiệp định này...”, ông Trịnh Minh Anh nhận định.
Để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chánh văn phòng BCĐHNKT khuyên DN cần các giải pháp đồng bộ.
Đầu tiên là đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư; đặc biệt là dòng vốn đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hồng Kông...; Thứ hai, cần chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc. Bởi Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu, đối với cả chính ngạch và biên mậu, hàng hóa đúng chuẩn hay phi chuẩn...; Thứ ba, khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA; đặc biệt là EU và Hoa Kỳ một cách đa dạng. Trong đó, quan tâm tới xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp; ăn theo xu hướng đầu tư, sản xuất của các tập đoàn, DN quốc gia khác; Thứ tư, hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm (CO) hải quan của các nước có FTA và các cơ quan liên quan của Việt Nam rất chú ý vấn đề này; tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt vấn đề xuất xứ hàng hóa; Thứ năm, để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, DN cần liên kết chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính…). Trong đó, cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gãy của các chuỗi cung ứng này...