Các Hiệp hội ngành, nghề

Còn nhiều dư địa xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng vào Trung Quốc

Nguyễn Huyền 04/12/2023 - 09:51

Các công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam đang nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng (GTGT) hơn, như cá tẩm bột và cá tẩm gia vị sang thị trường Trung Quốc, nhằm nắm bắt cơ hội tăng doanh số bán lẻ và siêu thị đang tăng trưởng tại thị trường tỷ dân này sau đại dịch COVID-19.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nhu cầu cá phi lê chất lượng cao vẫn còn dư địa để tăng trưởng đáng kể ở Trung Quốc, đặc biệt, đối với các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng cần được giới thiệu, quảng cáo liên tục để tạo thị hiếu và thói quen cho người tiêu dùng tại quốc gia tỷ dân này.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc lấy lại đà tăng trưởng dương

Vasep cho biết, tính tới hết tháng 11 năm nay, xuất khẩu cá tra đã đạt gần 1,7 tỷ USD, vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc, đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc đang có những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm nay. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dương trong cả tháng 11/2023.

Cụ thể, số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, nửa đầu tháng 11/2023, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt gần 20 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường tỷ dân này chỉ đạt hơn 510 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chuyên gia thị trường Cá tra Vasep cho biết, so với các loại thủy sản khác, thị trường cá tra toàn cầu phục hồi chậm hơn sau COVID-19, nhưng doanh số bán hàng dự kiến sẽ cải thiện.

Hiện nhu cầu cá phi lê chất lượng cao vẫn còn dư địa để tăng trưởng đáng kể ở Trung Quốc, bất chấp con số sụt giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2023 và nếu các doanh nghiệp có chiến dịch quảng bá tiếp thị tốt các sản phẩm cá tra GTGT thì nhu cầu nhập khẩu cá tra của thị trường tỷ dân này sẽ còn tăng lên đáng kể.

Theo Hải quan Trung Quốc, tính đến hết tháng 9/2023, thị trường này đã tiêu thụ 127.000 tấn cá tra đông lạnh, trị giá 264 triệu USD.

Do đó, các sản phẩm cá tra GTGT cần được giới thiệu, quảng cáo liên tục để tạo thị hiếu và thói quen cho người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc.

Tại triển lãm Thủy sản và Hải sản Trung Quốc (CFSE), Trưởng phòng Kinh doanh xuất khẩu Công ty Cổ phần Gò Đàng (GODACO) cho biết, công ty đang chuyển trọng tâm và tập trung chủ yếu vào sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT), tẩm bột, tẩm gia vị và các loại sản phẩm khác từ cá tra.

Các sản phẩm GTGT hiện chiếm 10-20% doanh thu của GODACO và dự kiến tương lai sẽ tăng lên 30%. GODACO chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm phile cá tra sang châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Trung Đông. Ngoài ra, công ty cũng xuất khẩu các sản phẩm GTGT sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.

Ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc GODACO cho biết, để khắc phục những khó khăn đến từ thị trường nhập khẩu, công ty phải chú trọng đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm, nhất là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đối với các sản phẩm cá tra GTGT, ông Đạo cho rằng mức độ cạnh tranh sản phẩm chế biến sâu thấp do ít người làm được, nên giá trị gia tăng tốt và lợi nhuận mang về cũng cao. Hạn chế là vì ít người biết nên phải đầu tư nhiều tiền cho công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá tra GTGT đến người tiêu dùng nước nhập khẩu

Giai đoạn đầu, đầu tư sản phẩm chế biến sâu rất tốn kém, vì phải xây nhà máy riêng và làm công tác thị trường, vì hiện nay bản thân con cá tra ít người biết, nên sản phẩm chế biến sâu từ cá tra lại càng ít người biết hơn.

Do vậy, công ty phải tăng cường quảng bá, giới thiệu, chào hàng … các công việc này đều cần có thời gian và cần có một lượng tiền lớn để đầu tư. Nhưng một khi sản phẩm đã được nhiều người biết đến sẽ phát triển bền vững lâu dài và tỷ suất lợi nhuận sẽ đảm bảo bù đắp cho chi phí đầu tư.

“Thị trường sản phẩm chế biến sâu là những thị trường đặc thù, như: Hàn Quốc, Nhật Bản; Trung Đông, khối EU, Mỹ và Trung Quốc... dựa vào đặc thù tập quán, văn hóa ẩm thực của từng thị trường na ná nhau và trên nền tảng đó chúng tôi xây dựng từng khu vực thị trường để đưa ra các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng”, ông Tổng Giám đốc GODACO nói.

Ông Chen, Tổng Giám đốc nhà phân phối Octogone tại Trung Quốc của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, cá tra chất lượng cao vẫn có lợi thế ở thị trường Trung Quốc, có tiềm năng tăng trưởng bùng nổ nếu thay thế các nguyên liệu trong cách chế biến. Một số món ăn cá tra phổ biến tại Trung Quốc bao gồm: Cá tra nấu dưa chua Tứ Xuyên, dưa muối Tứ Xuyên hay cá nướng, lẩu....

"Thị trường cá tra Trung Quốc bắt đầu phục hồi từ tháng 7/2023 và tăng liên tục trong tháng 8 và tháng 9. Sự tăng trưởng này đến từ việc gia tăng nhu cầu ăn uống trong kỳ nghỉ hè của sinh viên và các hạn chế về đại dịch được nới lỏng. Doanh số bán cá tra trong ngành dịch vụ ăn uống cũng đang phục hồi. Rõ ràng, tiêu thụ cá tra vẫn ổn định, tuy nhiên thách thức từ việc bán hết hàng tồn kho có giá cao hơn từ năm ngoái khiến lợi nhuận giảm đáng kể", đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều dư địa xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng vào Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO