Công bố PCI- 2019: Đã có sự thu hẹp trong chất lượng điều hành giữa các địa phương

Thanh Thanh| 06/05/2020 15:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lần đầu tiên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)-2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn ở các địa phương.

Ngày 5/5, VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019. Đây là lần thứ 15, PCI được công bố.

Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu bảng

Tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019 năm thứ ba liên tiếp là Quảng Ninh (73,40 điểm), kế đến là Đồng Tháp (72,10 điểm), Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu…

 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Quảng Ninh đã cải thiện 8 trên 10 lĩnh vực điều hành kinh tế đo lường bởi PCI, điểm số PCI tổng hợp của Quảng Ninh năm 2019 tăng 3,04 điểm so với năm 2018 và đạt điểm số cao nhất từ trước đến nay.

Điều tra PCI 2019 ghi nhận những đánh giá tích cực của DN với những nỗ lực của Quảng Ninh. Có 76% DN đánh giá thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn hơn so với quy định, 82% DN cho biết cán bộ thân thiện trong quá trình giải quyết thủ tục cho DN và 87% DN đánh giá cán bộ giải quyết công việc hiệu quả.

Với chủ đề: “Tự động hoá và chuyển đối số trong DN – cơ hội và thách thức đối với vấn đề lao động và việc làm”, Báo cáo PCI-2019 cho biết, có 67% DN đã tự động hoá một phần công việc trong 3 năm qua, và có tới 75% DN dự định sẽ tự động hoá các công việc mới trong 3 năm tới. Cả các DN tự nhân trong nước và các DN FDI dự kiến sẽ tự động hoá từ 1/4 đến 1/3 số công việc do con người đang đảm nhiệm hiện nay.

Đáng chú ý, nhóm cuối trong PCI 2019 là Lai Châu, Đắk Nông, Bình Phước, Hà Giang và Bắc Kạn. Điều tra PCI 2019 tiếp tục ghi nhận sự cải thiện nhanh chóng về điểm số của những tỉnh trong nhóm cuối bảng xếp hạng so với năm 2018. “Nếu những tỉnh này tiếp tục duy trì tốc độ cải thiện như 2 năm vừa qua, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong bảng xếp hạng PCI vào năm tới…”- Ông Tuấn kỳ vọng.

5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các DN dân doanh đang gặp phải bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các DN lớn. Khó khăn của DN chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 và thời gian tới bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch Covid-19.

Niềm tin của DN được tiếp tục khơi dậy

Theo Chủ tịch VCCI,  bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn với 7 sắc cầu vồng trên bầu trời thể chế. Đó là: Sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; Công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của DN có nhiều tiến bộ; Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn; Tính minh bạch được cải thiện; Cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; Chi phí không chính thức tiếp tục giảm; Cải cách hành chính được đẩy mạnh...

Đặc biệt, ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80% DN bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của DN được tiếp tục khơi dậy.

Tuy nhiên, điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59 % DN có công trình xây dựng trong 2 năm qua cho biết họ gặp khó khăn trong TTHC về đất đai, giải phóng mặt bằng gần tương đương với tỷ lệ 63% DN gặp khó khăn về khách hàng – khó khăn lớn nhất trên thương trường.

“Suy ngẫm về con số này, tôi luôn có một điều ước giản dị, giá như DN nước mình không phải gian nan đối phó với thủ tục để toàn tâm toàn ý đối diện với thị trường thì đất nước sẽ còn phát triển đến đâu. Tương tự như vậy, những cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội… theo phản ánh của DN cũng đang còn những dư địa lớn…”- TS Lộc bày tỏ

“Năm 2020 là một năm quan trọng, đánh dấu 15 năm thực hiện PCI và 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong 15 năm qua, chỉ số PCI có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh và tạo thuận lợi cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Hoa Kỳ hỗ trợ PCI song song với một số chương trình có mục tiêu cải thiện sinh kế của người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước, bởi chúng tôi biết rằng sự thịnh vượng của Việt Nam chính là sự thịnh vượng của chúng tôi.”

(Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink)

Đáng chú ý, chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số DN phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Theo Chủ tịch VCCI, đây vẫn là vấn đề nhức nhối.

Khảo sát PCI- 2019 cho thấy 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các DN dân doanh đang gặp phải bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các DN lớn.

Ngôi sao cải cách chưa có sự bứt phá

Một điều quan trọng nữa chưa được như mong đợi, Theo TS Vũ Tiến Lộc. đó là, trong khi các địa phương ở nhóm thấp ở bảng xếp hạng vượt lên thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu, thì các ngôi sao cải cách mấy năm qua vẫn chưa có được những bứt phá nào đáng kể. “Đang có hiện tượng “đụng trần” thể chế khi Luật pháp chồng chéo, bất cập đang gây rủi ro cho những nỗ lực sáng tạo để vượt lên...”- Chủ tịch VCCI nhận định. Ông cũng bày tỏ hy vọng  những quyết sách kịp thời, quan trọng của Quốc hội, của Chính phủ về việc khẩn trương rà xét, xóa bỏ những chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật và quy định của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung khi được triển khai sẽ giúp tạo ra nhiều động lực mới và trang bị “tấm áo giáp sắt” an toàn cho sự phát triển năng động của chính quyền cấp tỉnh, nhất là các tỉnh thành phố giữ vai trò dẫn dắt, mở đường...

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, phục hồi không phải trở lại ngày hôm qua và tái khởi động không phải là vẫn làm theo cách cũ. “Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các DN sẽ phải kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm hơn...”- ông Lộc nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Việt Nam đang trong thời cơ vàng để tái khởi động, để phục hồi nền kinh tế khi là một trong số ít những nền kinh tế đã sớm kiềm chế được dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế.

“Sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đem đến cho chúng ta như vận hội mới. Các địa phương sẽ có   hơn. Và cải cách thể chế, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta đón nhận dòng đầu tư đó!”- Chủ tịch VCCI quả quyết.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố PCI- 2019: Đã có sự thu hẹp trong chất lượng điều hành giữa các địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO