Công nghệ điện toán đám mây trong tài trợ vốn

Bảo Đăng - Bùi Trang| 18/03/2022 18:06
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với công nghệ đám mây (cloud computing), các ngân hàng và tổ chức tài chính chỉ phải đầu tư chi phí thấp (không phải đầu tư chi phí công nghệ thông tin và phần cứng), bảo mật cao, thời gian tiếp cận thị trường nhanh chóng, có thể mở rộng quy mô, phân tích rủi ro tiên tiến…

Ngày 18/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo trực tuyến Tối ưu hóa công nghệ điện toán đám mây trong tài trợ vốn dựa trên các khoản phải thu. 

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nếu trước đây, nhiều ngân hàng cho rằng chuyển đổi số chỉ đơn thuần là thay đổi giao diện ứng dụng tương tác với khách hàng, chưa coi trọng đến các quy trình nội bộ, sử dụng khoa học phân tích dữ liệu và nâng cao năng lực cho nhân viên thì nay, các ngân hàng Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng mà điện toán đám mây đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, các ngân hàng đã và đang khai thác công nghệ này cho hoạt động quản trị hệ thống, sáng tạo dịch vụ mới đồng thời số hóa các sản phẩm, dịch vụ hiện tại... trong đó có dịch vụ tài trợ các khoản phải thu.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Đăng

Hiện nay, các tổ chức tài chính truyền thống có hai hình thức tài trợ liên quan đến các khoản phải thu. Hình thức thứ 1 - Bao thanh toán, là bán hoàn toàn các khoản phải thu đổi lấy tiền mặt. Những hóa đơn không còn thuộc quyền sở hữu của bên bán nữa mà thuộc về đơn vị bao thanh toán. Hình thức thứ 2 - Tài trợ hóa đơn, là một khoản vay dựa trên tài sản và các khoản phải thu là tài sản thế chấp. Những hóa đơn vẫn nằm trên bảng cân đối kế toán của bên bán và trong trường hợp bên bán phá sản, các chủ nợ có thể nắm quyền sở hữu. Những sản phẩm tài chính như vậy thường cần nhiều thao tác thủ công hơn và khiến cho ngân hàng tiêu tốn nhiều chi phí hơn so với các sản phẩm tài chính khác như những khoản vay kinh doanh có kỳ hạn truyền thống.

Theo ông Hùng, việc sử dụng các nền tảng công nghệ tài chính ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong tài trợ các khoản phải thu hiện nay sẽ tạo nên nhiều điểm khác biệt với tài trợ các khoản phải thu của tổ chức tài chính truyền thống như hợp lý hóa quy trình cho vay, phát triển và mở rộng danh mục dịch vụ và khách hàng, dễ dàng truy cập trên các thiết bị di động, cải thiện trải nghiệm khách hàng, giúp ngân hàng đưa ra quyết định tài trợ một cách nhanh chóng đồng thời giảm thiểu rủi ro trong khi đảm bảo hiệu quả về chi phí.

“Trong kỷ nguyên “đám mây”, thay đổi là đối sách sống còn của các ngân hàng song để thay đổi một cách toàn diện đồng bộ cần có hành lang pháp lý thật cụ thể cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt các vòng bảo vệ an ninh mạng và lựa chọn nhà cung cấp tin cậy, giám sát chéo giữa các đối tác, tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn và quy định của các bên nhằm đảm bảo hiệu quả nhất cho việc bảo vệ dữ liệu trên đám mây, giúp các ngân hàng yên tâm chuyển đổi số”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Nhóm phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn định chế tài chính, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc IFC đánh giá, Việt Nam đã có bước tiến bộ tích cực phát triển tài trợ dựa trên tài sản là động sản và có bước tiến xa hơn so quốc gia khác trong khu vực. So với trước đây 10 năm, hầu hết các ngân hàng đều cho vay dựa trên động sản, đưa ra nhiều sản phẩm bao gồm cho vay dựa trên khoản phải thu, hàng hóa luân chuyển, hóa đơn, tài sản sở hữu trí tuệ. 

Số liệu thống kê cho thấy, Cục Đăng ký Giao dịch bảo đảm có nửa triệu giao dịch được đăng ký mà tài sản là động sản và khoảng 90.000 giao dịch dựa trên khoản phải thu hàng hóa luân chuyển. “Đây là con số tích cực. Trong quá trình phát triển, Hiệp hội Ngân hàng đóng góp to lớn vào thành công này”,  ông Jinchang Lai chia sẻ.

Các đại biểu tham dự trực tuyến. 

Ông Kheng Leong Lee, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình dương của HDP Landscape (chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ nền tảng tài chính) cho biết, COVID-19 đã đẩy nhanh, làm gia tăng sự quan tâm tới tài trợ khoản phải thu (SCF), với trọng tâm là vốn lưu động; đẩy nhanh tốc độ áp dụng số hóa. Các ngân hàng đã đầu tư vào công nghệ sổ cái điện tử (blockchain) để phòng ngừa gian lận. Ngoài ra, các công ty Fintech đang đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị phần lớn hơn.

Theo ADB, thiếu hụt tài trợ thương mại của châu Á – Thái Bình Dương là 1,7 nghìn tỷ đô la Mỹ. Tài trợ khoản phải thu được xác định là phương thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) giải quyết thiếu hụt tài trợ này. Tuy nhiên, theo khảo sát cảa Mickinsey, khi triển khai SCF đã gặp một số vấn đề như việc thực hiện phân tán, quy trình thủ công và phân tán, chia sẻ dữ liệu phân tán; tiếp nhận thông tin và ra quyết định tín dụng chậm… Nhiều ngân hàng sử dụng phần mềm nội bộ để triển khai SCF nhưng đặt ra một số vấn đề như gánh nặng chi phí đầu tư công nghệ cao, không linh hoạt trong tiếp cận công nghệ mới, chỉ hạn chế ở kinh nghiệm của đội ngũ nhân viên… Trong khi đó, với công nghệ đám mây, các ngân hàng và tổ chức tài chính chỉ phải đầu tư chi phí thấp (không phải đầu tư chi phí công nghệ thông tin và phần cứng), bảo mật cao, thời gian tiếp cận thị trường nhanh chóng, có thể mở rộng quy mô, phân tích rủi ro tiên tiến…

Theo ông Kheng Leong Lee, các ngân hàng Việt Nam có thể ‘đi tắt đón đầu’ công nghệ số hiện đại thông qua nền tảng đám mây, triển khai nền tảng hiện đại, tích hợp, toàn diện, và số hóa. Có thể tiếp nhận chức năng phân tích tốt nhất hiện có để phòng ngừa gian lận và rủi ro trong tài trợ khoản phải thu. 

Được biết, trong những năm gần đây, các ngân hàng Việt Nam đã và đang cung cấp các khoản tài trợ dựa trên khoản phải thu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, để thực hiện việc này hiệu quả hơn, các ngân hàng bắt đầu ghi nhận sự tham dự của nền tảng công nghệ số do ngân hàng phát triển hoặc bên thứ ba cung cấp.

Trong xu hướng phát triển ngày nay, ở thị trường mới nổi, công nghệ đám mây đã được áp dụng và theo kinh nghiệm của các quốc gia này thì công nghệ đám mây có thể giúp cho các ngân hàng hay các tổ chức cho vay tiếp cận nhiều khách hàng hơn và tăng hiệu quả trong hoạt động tài trợ vốn,…. Đồng thời giảm thiểu những gian lận, qua đó các ngân hàng có cơ hội gia tăng tổng dư nợ có liên quan tới tài sản bảo đảm là động sản, đặc biệt là tài trợ vốn dựa trên các khoản phải thu. Bên cạnh đó tài trợ dựa trên các khoản phải thu được xác định là công cụ để giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nguồn vốn lưu động tốt hơn.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của IFC và HDP Landscape cũng đã dành nhiều thời gian để giải đáp các câu hỏi chuyên môn sâu liên quan tới việc tối ưu hóa nền tảng công nghệ đám mây trong tài trợ các khoản phải thu trong bối cảnh phát triển kinh tế số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ điện toán đám mây trong tài trợ vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO