Sau một loạt chuyên án liên quan đến công ty cầm đồ hoặc đòi nợ thuê “núp bóng” công ty, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, nhiều công ty tài chính lo ngại sẽ khó khăn trong việc thu hồi nợ.
Bán nợ giá “bèo” cho côn đồ “núp bóng” công ty
Vụ đòi nợ thuê “núp bóng” Công ty TNHH Mua bán nợ DSP (Công ty DSP) hay Công ty luật TNHH Pháp Việt (Công ty Pháp Việt) vừa bị cơ quan công an triệt phá là tiếng chuông cảnh tỉnh với nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) và công ty tài chính (CTTC).
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công ty DSP mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của CTTC TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam và một số TCTD khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ. Sau khi có các thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ, bộ phận vận hành của Công ty DSP sẽ cập nhật thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống, sau đó sẽ phân chia vào từng tài khoản của nhân viên để họ trực tiếp đòi nợ.
Kết quả kiểm tra, trích xuất dữ liệu từ hệ thống quản trị của các công ty con của DSP cho thấy: Từ ngày 2/7/2018 đến hết năm 2022, các công ty đã thu mua 335.607 hợp đồng vay tiền của khách có tổng dư nợ là trên 3.000 tỷ đồng, trong đó các đối tượng đã đòi được trên 500 tỷ đồng.
Với trường hợp Công ty Pháp Việt, trung bình mỗi tháng, Công ty này nhận của một số TCTD, CTTC từ 141.000 - 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả, rồi phân chia cho nhân viên đòi nợ, cũng bằng hình thức đe dọa, khủng bố tinh thần người vay. Công ty Pháp Việt được một số TCTD, CTTC trả từ 25-35% trên tổng số tiền thu được.
Cần phân biệt cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho biết, thời gian qua, VNBA đã thành lập Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng và đã có 11 CTTC đăng ký tham gia nhằm mục tiêu tạo mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh, hướng đến xây dựng thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, an toàn, phù hợp thông lệ quốc tế.
“Trước dư luận về loại hình cho vay cầm đồ những ngày qua, các CTTC tiêu dùng cũng đã chia sẻ với VNBA những lo ngại về hệ quả có thể người vay lần khất trả nợ các CTTC tiêu dùng dẫn đến nợ xấu cao… để tìm cách chia sẻ, tháo gỡ khó khăn” - ông Hùng chia sẻ và cho biết, các CTTC tiêu dùng đều thống nhất quan điểm cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp việc thu hồi nợ manh động hay đòi nợ kiểu “xã hội đen” là rất đúng.
Nhưng, thực tế các CTTC tiêu dùng quan ngại nhất là câu chuyện thu hồi nợ, bởi tỷ lệ chây ỳ trả nợ rất cao. “Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng thời điểm này là truyền thông để người dân hiểu được sự khác biệt giữa 2 loại hình cho vay…” - Tổng Thư ký VNBA nhấn mạnh.
Theo đó, cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự do Bộ Công an quản lý, hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự. Còn cho vay tiêu dùng của các CTTC tiêu dùng hoạt động dưới sự cấp phép và quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện theo Luật Các TCTD và Luật DN. Các CTTC tiêu dùng hoạt động với những tiêu chí như hệ số an toàn, rủi ro, nợ xấu, room cho vay… đều dưới sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của NHNN…
“Đối tượng của 2 loại hình này đều dưới chuẩn. VNBA đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, kiến nghị rà soát lại việc đặt tên “CTTC” của loại hình cho vay cầm đồ hiện nay liệu có đang vi phạm Luật Các TCTD để tránh việc nhầm lẫn với các CTTC tiêu dùng. Bộ KH&ĐT đã có văn văn bản gửi Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố rà soát lại…” - ông Hùng cho biết thêm.
Đẩy mạnh truyền thông kênh tín dụng tiêu dùng chính thức
Với dân số gần 100 triệu dân trong khi các CTTC tiêu dùng ở Việt Nam mới đạt được mức cho vay trên dưới 200 nghìn tỷ đồng, Tổng Thư ký VNBA khẳng định tiềm năng của tài chính tiêu dùng là rất lớn.
Để các CTTC tiêu dùng phát triển, từ phía các CTTC, cần rà soát đối tượng cho vay phù hợp; chiến lược cho vay gắn kết với chính quyền địa phương sẽ hạn chế được những đối tượng chây ỳ. “Cần học hỏi kinh nghiệm Agribank cho vay tại nông thôn có tỷ lệ nợ xấu tốt, người đi vay ý thức trả nợ rất cao…” - ông Hùng gợi ý.
Cũng theo Tổng Thư ký VNBA, trấn áp tội phạm thu hồi nợ bằng hình thức manh động là hành vi đáng lên án, nhưng người vay cần phải ý thức, trách nhiệm về việc vay thì phải trả nợ. Cần phải có biện pháp mạnh mẽ, nghiêm minh đối với những người không trả nợ.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng; Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các CTTC tiêu dùng phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng đảm bảo an toàn hiệu quả hoạt động; Đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng giúp người dân, DN hiểu về lợi ích từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng đến người dân một cách hiệu quả nhất, cũng như giúp họ thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.