Sự tăng giá đột ngột của đồng Yên sau đợt tăng lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và quan điểm diều hâu của phần lớn các thành viên BOJ được coi là nguyên nhân chính khiến chỉ số chứng khoán Nikkei lao dốc gần đây, làm lu mờ cả sự sụt giảm của thị trường toàn cầu.
Với việc đồng Yên dường như bắt đầu ổn định, thị trường chứng khoán có thể sẽ bình ổn trở lại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết việc chỉ số Nikkei có phục hồi trở lại mức 40.000 hay không vẫn còn phải xem xét, do triển vọng không rõ ràng của nền kinh tế Mỹ.
Chihiro Ota, trợ lý tổng giám đốc nghiên cứu đầu tư tại SMBC Nikko Securities Inc, cho biết “cú sốc BOJ” là nguyên nhân đằng sau khiến chỉ số chuẩn này giảm khoảng 7.600 điểm trong chuỗi giảm kéo dài 3 ngày, từ thứ Năm thứ Hai (ngày 5/8).
Chỉ số Nikkei chịu mức giảm điểm trong ngày lớn nhất là 4.451,28 điểm, tương đương 12,4% hôm 5/8, sau khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất chính sách lên 0,25% vào ngày 31/7.
Đồng Yên, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm, ở mức 162 Yên đổi 1 USD vào đầu tháng 7, đã tăng vọt lên vùng 141 sau khi Thống đốc Kazuo Ueda báo hiệu có thể cân nhắc tăng lãi suất thêm nữa.
Việc bán cổ phiếu càng được thúc đẩy bởi lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ sau khi dữ liệu việc làm tháng 7 yếu hơn dự kiến, gây ra làn sóng bán tháo trên toàn thế giới trong bối cảnh tâm lý e ngại rủi ro toàn cầu, với một số lo ngại rằng việc FED dường như sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, là quá lâu để thực hiện các bước nới lỏng tiền tệ.
Ông Ota cho biết: “Khoảng 70% đến 80% nguyên nhân sụt giảm chứng khoán Nhật Bản là do đồng Yên mạnh, trong khi mối lo ngại về nền kinh tế Mỹ chiếm khoảng 20% đến 30%”.
Việc đồng Yên mạnh lên ảnh hưởng trực tiếp đến chứng khoán vì nó làm xói mòn giá trị thu nhập nước ngoài của các nhà xuất khẩu Nhật Bản, dẫn đến lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể.
Ông nói: “Cơ cấu thu nhập của các công ty niêm yết tại Nhật Bản có xu hướng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đồng Yên mạnh, vì ngay cả các công ty từng được coi là nội địa, như các công ty bán lẻ, giờ đây cũng đã kiếm được một phần đáng kể doanh thu từ nước ngoài”.
Các nhà phân tích cho biết, một yếu tố khác góp phần vào sự sụt giảm của chỉ số Nikkei là việc đóng vị thế trong chiến lược đầu tư bằng giao dịch chênh lệch giá (carry trade), bao gồm việc vay bằng đồng tiền có lãi suất thấp để đầu tư vào đồng tiền có lãi suất cao hơn.
Lãi suất cực thấp của Nhật Bản đã khiến đồng Yên trở thành đồng tiền được vay ưa chuộng trong những năm gần đây, nhưng việc tăng lãi suất bất ngờ của BOJ đồng nghĩa với việc việc vay mượn bằng đồng Yên không còn quá rẻ nữa.
Các nhà phân tích cho biết, các nhà đầu tư đi vay phải đối mặt với lệnh gọi ký quỹ thêm (call margin) khi đồng Yên tăng giá, buộc họ phải bán tài sản của mình trên thị trường toàn cầu để mua đồng Yên và đảm bảo vị thế của mình, đẩy giá đồng tiền này lên cao hơn.
Tuy nhiên, ông James Malcolm, chiến lược gia vĩ mô Nhật Bản tại UBS, cho rằng không nên đổ lỗi quá nhiều cho BOJ về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Nhật Bản gần đây, mà thời điểm đó đơn giản là không may mắn.
Ông Malcolm nói: “Đây không chỉ là vấn đề về Nhật Bản và chắc chắn không phải là do việc Thống đốc Ueda đã gây ra một bất ngờ theo một cách diều hâu”. “Giao dịch chênh lệch giá đã giảm bớt và sau đó lực đẩy lớn đến từ báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ yếu kém.”
Trong khi đó, một số người chỉ ra rằng việc mất điểm lớn nhất lịch sử trong một ngày của Nikkei có vẻ quá mức, bởi tình hình càng trở nên phức tạp hơn do giao dịch thuật toán chủ yếu được các nhà đầu tư tổ chức và quỹ phòng hộ sử dụng để nhanh chóng đặt lệnh mua hoặc bán thông qua một chương trình máy tính.
Nhà phân tích thị trường cổ phiếu Seiichi Suzukitại Tokai Tokyo Intelligence Laboratory Co., cho biết, những hoạt động như vậy đã dẫn đến "phản ứng dây chuyền của các giao dịch", do lệnh bán cắt lỗ của các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư cá nhân buộc phải bán do không đủ lợi nhuận.
Ông nói: “Mặc dù mức giảm kỷ lục gây sốc nhưng đó là một phản ứng thái quá. Nếu chỉ nhờ sức mạnh của đồng Yên và hoạt động giao dịch chênh lệch giá thì thị trường đã không phục hồi mạnh như vậy” (ám chỉ đến việc chỉ số bật tăng phục hồi vào ngày hôm sau).
Ông Suzuki nói thêm: “Thực tế cho thấy, bản thân giao dịch đã trở nên cực kỳ kỹ thuật, đạt những mức giá không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản”.
Sau vài ngày hỗn loạn, thị trường chứng khoán Nhật Bản dường như đã ổn định phần nào, với đồng Yên giảm xuống mức 147 so với đồng đô la vào ngày cuối tuần vừa rồi sau khi Phó Thống đốc BOJ Shinichi Uchida bày tỏ quan điểm thận trọng trước việc tăng lãi suất tiếp theo.
Mặc dù có sự đồng thuận chung rằng giai đoạn biến động tồi tệ nhất đã qua, nhưng vẫn còn tồn tại những điều không chắc chắn về việc liệu chỉ số Nikkei có tiến tới mức đóng cửa cao kỷ lục 42.224,02 được ghi nhận vào ngày 11/7 từ mức 35.000 của ngày cuối tuần vừa rồi hay không.
Shinichiro Kadota, Giám đốc Nghiên cứu tại Barclays Securities Japan Limited, cho biết: “Nếu BOJ áp dụng lập trường ôn hòa, điều đó có thể dẫn đến đồng Yên suy yếu nhẹ”.
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, xu hướng ngại rủi ro toàn cầu và tình trạng của nền kinh tế Mỹ là những yếu tố quan trọng hơn. Trừ khi những khu vực đó ổn định, việc phục hồi hoàn toàn có thể mất một khoảng thời gian”.