Nhìn ra thế giới

Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm sốc 12%, hơn mức giảm điểm sau sự kiện ngày thứ Hai đen tối năm 1987

V.A 05/08/2024 21:20

Xu hướng giá cổ phiếu hôm cuối tuần trước ở Nhật Bản tiếp tục vào ngày đầu tuần này và tạo thành xu hướng cho các thị trường trên toàn cầu, với việc các chỉ số của thị trường Mỹ giao dịch qua đêm và tiền mã hoá giảm theo mức trung bình của chỉ số Nikkei-225.

Đồng Yên đã trải qua một đợt phục hồi mạnh mẽ, duy trì xu hướng liên tục trong nhiều tuần và hiện đang giao dịch ở mức chưa từng thấy kể từ đầu năm 2024. Lợi suất sụt giảm ở Nhật Bản, với điểm chuẩn trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm nhanh và hiện ở mức dưới 1%.

Vào cuối ngày đầu tuần (ngày 5/8), chỉ số Nikkei của Nhật Bản (chỉ số phản ánh biến động giá cổ phiếu của 225 công ty hàng đầu Nhật Bản) đã giảm 4.451,28 điểm, tương đương mức giảm 12,40%, xuống 31.458,42.

Theo dữ liệu của Nikkei, đây là mức giảm điểm lớn nhất từ ​​trước đến nay, làm lu mờ mức giảm vào ngày 20/10/1987, một ngày sau sự kiệnThứ Hai Đen Tối ở New York, khi Nikkei mất 3.836,33 điểm. Còn nếu tính theo tỷ lệ phần trăm thì đây là mức giảm lớn thứ hai.

Hầu hết các nhà giao dịch cho rằng tình trạng hỗn loạn liên quan đến việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ tăng lãi suất vào tuần trước và việc đồng Yên tăng giá, khiến các công ty Nhật Bản khó bán sản phẩm ra nước ngoài hơn và đe dọa sự phục hồi kinh tế mong manh và yếu ớt của Nhật Bản.

Các nhà giao dịch cũng liên kết điều này với nền kinh tế đang chậm lại ở Mỹ và sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ giao dịch ở New York.

Đối với một số người, ngày càng rõ ràng rằng những gì đang xảy ra có liên quan đến sự kết thúc của giao dịch dựa trên chênh lệch lãi suất tiền tệ (carry trade), trong đó các nhà đầu tư vay bằng đồng Yên giá rẻ để đầu tư vào các loại tiền tệ khác có lợi suất cao hơn.

Chris Turner, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối và Dmitry Dolgin, nhà kinh tế trưởng tại ING, viết: “Trong những tháng gần đây, chiến lược này đã gặp phải một bức tường gạch”.

Chứng khoán Nhật Bản hiện đang ở trong tình trạng thị trường giá xuống, được cho là giảm 20% so với mức đỉnh.

Sự sụt giảm diễn ra khắp nơi và ở hầu hết mọi lĩnh vực, chẳng hạn như: Nomura giảm 19%, Resona Holdings giảm 20%, Mizuho Financial giảm 20%, Mitsui giảm 20%, Honda giảm 18% và Hitachi giảm 13%, tập đoàn SoftBank giảm 19%.

Cuối tuần qua, chỉ số Nikkei kết thúc ngày giảm 5,81%.

Norihiro Yamaguchi, chuyên gia kinh tế cấp cao về Nhật Bản tại Oxford Economics, cho biết: “Sự đảo chiều đột ngột của đồng Yên, thêm vào đó là việc lãi suất trái phiếu Mỹ giảm và quan điểm diều hâu của BOJ chiếm ưu thế trong cuộc họp tháng 7, là một yếu tố đặc trưng khác dẫn dắt đối với cổ phiếu của Nhật Bản”.

Bên cạnh đó, các nhà quan sát địa phương cho rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Tokyo là do lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra ở Mỹ, khi dữ liệu việc làm công bố vào ngày 2/8 không đạt được kỳ vọng của thị trường.

Ông Yamaguchi cho biết: “Mặc dù các yếu tố cơ bản trong nước không thay đổi nhiều kể từ vài tuần trước, thị trường chứng khoán Nhật Bản khó có thể đảo chiều sớm, ít nhất là cho đến khi thị trường Mỹ bình tĩnh trở lại”.

Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi cho biết, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường.

Do việc BOJ bất ngờ tăng lãi suất và dự kiến ​​FED sẽ cắt giảm lãi suất, UBS Securities nay cũng đã đưa ra dự báo mới cho chỉ số Nikkei, dự kiến ​​là 39.000 vào cuối năm nay, giảm so với dự báo trước đó ở mức 42.000.

Hôm nay, trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm có lãi suất 0,775%, giảm so với mức 1,07% của tuần trước. Đồng Yên được giao dịch ở mức khoảng 143 Yên đổi 1 đồng USD, giảm so với mức gần 162 Yên chỉ vài tuần trước đó.

Trong giao dịch qua đêm hôm nay tại Tokyo, chỉ số Nasdaq 100 đã giảm gần 5%, trong khi S&P 500 giảm khoảng 2,5%. Bitcoin đã giảm khoảng 10%.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm sốc 12%, hơn mức giảm điểm sau sự kiện ngày thứ Hai đen tối năm 1987
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO