(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ đầu mùa lễ hội Xuân Tân Sửu đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều ngôi chùa đang triển khai thử nghiệm cách thức cúng dường qua ví điện tử MoMo theo chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc thử nghiệm cúng dường online được xem là một sáng kiến đáng được quan tâm, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Cúng dường qua ví điện tử là giải pháp hoàn toàn hợp lý
Cúng dường là nét văn hóa truyền thống của người Việt, đặc biệt dịp đầu Xuân. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội cần giãn cách vì dịch bệnh COVID-19, thì cúng dường online có thể xem là giải pháp hoàn toàn hợp lý. Bởi thực tế cho thấy, nhiều phật tử vì không có điều kiện về chùa đã gửi một khoản kinh phí để công đức qua hình thức online.
Tuy nhiên, thử nghiệm cúng dường online của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sở dĩ chưa thực sự được nhiều thành phần trong xã hội đón nhận, bởi trong suy nghĩ của nhiều người vẫn cho rằng: Cần phải đến chùa làm lễ mới linh thiêng. Do đó, các khóa lễ online, cúng dường qua ví điện tử là hình thức mới, khiến nhiều người dân, phật tử băn khoăn nghi lễ tâm linh liệu có bị giảm đi tính linh thiêng.
Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa cho rằng, cần có thời gian và có sự đánh giá mức độ tiếp nhận, thay đổi tư duy, thói quen của cộng đồng. Thay đổi thói quen trong các sinh hoạt văn hoá, đặc biệt là các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh là vô cùng khó khăn. Việc bản thân mỗi người tự thay đổi thói quen đến chùa, đặt giọt dầu, ghi công đức trở thành quét mã điện tử để chuyển tiền qua tài khoản, chắc chắn với nhiều người chưa thể quen ngay trong một sớm một chiều. Do vậy, kết quả sau thời gian thử nghiệm sẽ trả lời hình thức cúng dường online có phù hợp và tiến tới triển khai đại trà hay không.
Đại lễ cầu an trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Ảnh: Thu Trang |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Quốc gia Việt Nam cho rằng, chúng ta đang ở trong giai đoạn chống dịch COVID-19, giãn cách xã hội là một yêu cầu bắt buộc và cúng dường online cũng giống như nhiều hoạt động online khác chính là cách để chúng ta chung sức cùng Chính phủ thực hiện chủ trương giãn cách xã hội này. Trong bối cảnh xã hội số, thực hành tôn giáo hay bất cứ một thực hành xã hội nào khác cũng không thể tách mình ra khỏi bối cảnh xã hội này. Vì vậy, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: "Cúng dường online, không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ xuất hiện. Dịch bệnh COVID-19 chỉ khiến cho hoạt động này đến sớm hơn mà thôi. Nhiều người dân đã sẵn sàng tâm lý cho việc cúng dường online. Việc cúng dường này đồng thời cũng là nhu cầu tự thân của rất nhiều người".
Trước những tâm lý còn lo ngại về vấn đề giả mạo, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng và hình thức cúng dường qua ví điện tử để trục lợi bất chính, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, thử nghiệm cúng dường online dù đã có ý thức về việc kiểm soát dòng tiền qua ví Momo nhưng vẫn cần có những giải pháp để thể hiện sự minh bạch trong việc nhận và sử dụng các khoản tiền cúng dường, đồng thời tôn trọng tự do, bí mật riêng tư của cá nhân. Bất kỳ một sáng kiến mới nào cũng đều nhận được những phản ứng trái chiều. Vì thế hình thức cúng dường qua ví điện tử khi mới có thông tin đã gây ra tranh cãi cũng là dễ hiểu. “Chúng ta cần có thời gian để kiểm nghiệm xem thử nghiệm cúng dường online có hiệu quả hay không. Nhưng tôi tin, những lý do hợp lý ở trên sẽ khiến hoạt động thí điểm cúng dường online có cơ sở thành công, chứ không phải mang tính thương mại thái quá như một số ý kiến đã nêu…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Cũng nhận định hình thức cúng dường online và nhận phát tâm qua ví điện tử là hợp lý, PGS. TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cho rằng, đặt tiền giọt dầu, công đức bằng hình thức trực tiếp hay gửi qua tài khoản không ảnh hưởng gì đến niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng, tất cả đều đáp ứng được niềm tin đó. Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân không đến được chùa thì thông qua hình thức trực tuyến là tốt.
Một trong những cái lợi hướng đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thử nghiệm hình thức cúng dường online là khắc phục tình trạng rải, rắc tiền lẻ ở nơi thờ tự. Theo các nhà nghiên cứu, đây là ưu điểm nếu việc cúng dường online tiếp tục được triển khai. “Không mang tiền lẻ đến chùa là văn minh, rải tiền lẻ ở chùa là phản cảm, không có mỹ quan, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của cơ sở thờ tự. Thay vì rút tiền lẻ thì có thể bấm gửi vào tài khoản của nhà chùa…”, PGS. TS Chu Văn Tuấn nêu quan điểm.
Thông qua ứng dụng Momo là một hình thức chặn giả mạo
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đến thời điểm này sơ bộ có 12 chùa đã ứng dụng thí điểm cúng dường online. Những ngày đầu Xuân, tỷ lệ sử dụng ứng dụng khá nhiều nhưng từ khi có chỉ đạo tạm đóng cửa chùa để phòng chống dịch thì tỷ lệ dùng ứng dụng có giảm. Thực tế đó chứng tỏ người dân không công đức qua mạng mà đến chùa quét mã QR. Điều đó cũng chứng tỏ không có hiện tượng giả mạo. Người dân đến chùa thay vì tới các bàn công đức đông người thì sử dụng ứng dụng MoMo.
"Tôi đã quan sát và thấy rằng có nhiều người trẻ rất hào hứng với hình thức mới này, thay vì công đức trực tiếp thì có thể quét mã. Thông qua ứng dụng MoMo là một hình thức chặn giả mạo. Nếu triển khai chính thức sẽ có một ký kết giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và MoMo. Sau đó, sẽ có tài khoản mang tên các chùa, MoMo sẽ chặn các tài khoản giả mạo khác. Các chùa cũng sẽ đăng ký trực tiếp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì vậy khó có thể xảy ra giả mạo", Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.
Thử nghiệm cúng dường online qua ví điện tử Momo. Ảnh: Thu Trang |
Cúng dường online dự kiến được thử nghiệm trong 3 tháng lễ hội Xuân Tân Sửu. Sau đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ họp tổng kết, đánh giá ưu nhược điểm, những phát sinh và hệ quả. Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn lắng nghe ý kiến nhiều chiều để có cái nhìn tổng quát và đánh giá cụ thể. Có tiếp tục triển khai cúng dường online hay không phải qua kết quả đánh giá, rút kinh nghiệm và phải được Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất thông qua.