Tin tức

Đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng chịu thuế và miễn thuế VAT

Minh Nhật 26/06/2024 - 12:04

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã có nhiều băn khoăn về việc mở rộng đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế.

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn TP. Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết ban hành cũng như tên gọi của dự thảo Luật. Quan tâm đến nội dung liên quan đến đối tượng chịu thuế tại Điều 5, cụ thể là điểm h khoản 9 Điều 5 quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập có chức năng mua, bán nợ để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, mở rộng theo hướng quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng tại điểm này là bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.

db-pham-duc-an.jpg
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn TP. Hà Nội

“Bởi vì khi đã phải bán tài sản đảm bảo thì có nghĩa là khách hàng vay đã rất khó khăn. Và trong trường hợp này, nếu có thuế giá trị gia tăng nữa thì lại thêm gánh nặng nợ cho họ. Nếu được miễn thuế giá trị gia tăng thì có khả năng họ còn để được một phần giá trị tài sản còn lại để phục vụ cho đời sống hoặc sản xuất kinh doanh trở lại”, đại biểu lý giải.

Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, việc quy định như vậy là rất cần thiết. Bên cạnh đó, trong thực tế, quy định như vậy cũng không quá ảnh hưởng đối với việc thu thuế.

Cũng quan tâm đến nội dung về đối tượng không chịu thuế được quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nhận định việc rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế theo hướng loại bỏ hoặc bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.

db-tran-thi-thanh-huong.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, bên cạnh các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào thì hiện còn một số trường hợp khác như trường hợp các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hợp tác xã...

Vì vậy, đại biểu đến từ Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định các trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra không phải tính thuế giá trị gia tăng như dự thảo Luật xác định.

db-nguyen-tam-hung.jpg
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét tách nội dung cuối của điểm e khoản 26 của Điều 5 thành một khoản riêng.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng nên chuyển nội dung quy định “Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều này không được khấu trừ, không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, trừ trường hợp áp dụng mức thuế suất 0% quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật” này thành 1 khoản riêng là khoản 27 của Điều 5 để làm rõ nội dung và tránh hiểu lầm trong việc áp dụng các nội dung điều khoản của dự thảo Luật liên quan đến số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ và hoàn thuế với đối tượng không phải kê khai nộp thuế.

Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thì đề nghị cân nhắc bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế như dự thảo luật.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - tức là đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024); tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, thì tốc độ tăng trưởng mới đảm bảo duy trì tốt.

db-tran-anh-tuan.jpg
Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất, như vậy các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Việc thiết kế hai chính sách này rất dễ gây xung đột chính sách khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng chúng ta đang thực hiện.

Vì vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, nhưng sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá, mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn

Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, quy định trong dự thảo cần làm thế nào để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thương mại phát triển, từ đó quy định thống nhất theo đúng Chiến lược thuế theo nghị quyết của Đảng, nên ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng cho biết, theo chiến lược đến năm 2030 phải huy động vào ngân sách 16-17% GDP, trong đó thuế và phí là 14-15% GDP, tỷ lệ thu nội địa phải đạt được 86- 87%. Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau đảm bảo thống nhất khi ban hành.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến phát biểu tại tổ để tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng chịu thuế và miễn thuế VAT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO